Thông tin thị trường giá cả số 47/2020

03:47 PM 24/11/2020 |   Lượt xem: 4013 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Hậu Giang:

Mùa mía đắng

Hậu Giang được biết đến là vùng mía nguyên liệu lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên, gần đây, những vụ mía liên tiếp thua lỗ khiến nhiều nông dân không còn gắn bó với cây trồng này mà chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Năng suất giảm do mưa bão

Do mía bị ngập sâu trong nước, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá mía thấp nên người trồng mía ở Hậu Giang lại thêm một mùa thu hoạch mía không vui. Dưới ảnh hưởng của mưa bão, hàng chục héc-ta mía ở huyện Phụng Hiệp bị đổ ngã, xiêu vẹo, số mía này hầu hết đang trong giai đoạn vươn lóng đến sắp thu hoạch. Nhiều diện tích mía có hiện tượng đỏ lá, dấu hiệu bắt đầu chết cây nếu không kịp thu hoạch. Vì vậy, huyện đã huy động mọi nguồn lực thu hoạch nhanh diện tích mía bị ngập để giảm thiệt hại cho bà con.

Hiện nay, bà con đã thu hoạch xong mía giống ROC16 nhưng năng suất giảm gần 20% so với mọi năm. Năng suất giảm cộng với giá mía thu mua ở mức 820 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường thì khi trừ đi hết các khoản chi phí đầu tư, vụ mía này bà con không có lãi. Bên cạnh đó, nhiều diện tích mía bị ngập nên chi phí thuê nhân công thu hoạch cao hơn mọi năm, hiện giá thuê từ 250 - 300 đồng/kg. Để giảm chi phí trong thu hoạch và giảm thiệt hại đối với diện tích mía bị ngập, các hộ trồng mía đã liên kết thu hoạch dần công cho nhau.

Bán mía chục lãi hơn mía nguyên liệu

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch rộ mía nguyên liệu từ đầu tháng 10. Tuy nhiên, đến nay, 3 nhà máy còn lại của vùng vẫn chưa hoạt động. Vì vậy, bà con chủ yếu bán mía chục cho thương lái ép nước mía. Đây cũng là thời điểm bà con thu hoạch mía ROC 16 (giống mía chín sớm) để bán mía chục cho thương lái. Ở Hậu Giang, niên vụ mía nào cũng có từ 1.200 héc-ta đến 1.500 héc-ta mía được bà con trồng để bán mía chục. Riêng vụ sản xuất mía năm nay, đến thời điểm này, bà con đã bán mía chục được hơn 500 héc-ta và diện tích này sẽ còn tăng mạnh vì đang vào thời điểm thu hoạch rộ mía chục tại nhiều cánh đồng mía. Đặc biệt, giá mía chục năm nay khá hấp dẫn, dao động từ 1.100 - 1.300 đồng/kg.

Đối với mía nguyên liệu dù phải gánh nhiều khoản chi phí nhưng giá thu mua mía của nhà máy đường hiện nay xấp xỉ giá thành sản xuất. Vì vậy, sau khi thu hoạch, nông dân trồng mía nguyên liệu không có được nguồn lợi nhuận cao như hộ bán mía chục. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, giá thành sản xuất của nông dân dao động khoảng 780 đồng/kg (trong đó giá thuê nhân công đốn mía khoảng 250 đồng/kg, chiếm gần 1/3 giá thành sản xuất). Hiện nông dân trồng mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường tỏ ra lo lắng vì mức giá bao tiêu mía trong vụ này quá thấp (từ 770đồng/kg đến 800 đồng/kg, giá mía cân tại ruộng.  Với mức giá bao tiêu nêu trên, người trồng mía lo lắng sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong niên vụ mía này. Bởi từ đầu vụ tới giờ, mọi chi phí đầu tư cho cây mía đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, điển hình là giá thuê nhân công vô chân và đánh lá mía đã ở mức 160.000 đồng/ngày, thuê nhân công thu hoạch mía không dưới 250.000 đồng/tấn mía.

Lạng Sơn:

Liên kết tiêu thụ bí bao tử

Hiện nay, bà con nông dân thôn Bản Làn, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đang bước vào vụ thu hoạch nụ bí bao tử. Mặc dù mới đưa vào trồng thí điểm vụ đầu tiên nhưng đến nay, mô hình được đánh giá đạt hiệu quả, năng suất cao, tiêu thụ thuận lợi nên người dân rất phấn khởi.

Mô hình trồng bí bao tử được thực hiện từ tháng 8/2020 tại thôn Bản Làn với 12 hộ tham gia, tổng diện tích 38 sào. Các hộ tham gia mô hình được Công ty Cổ phần ECI Lạng Sơn hỗ trợ giống, phân bón, bạt phủ và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Bí bao tử hay còn gọi là nụ bí non, quả chỉ nhỏ bằng 2 đầu ngón tay. Giống này có đặc điểm là thời gian sinh trưởng ngắn, cây phát triển khỏe, sau khi trồng khoảng 40 – 45 ngày là được thu và thu hoạch liên tục trong vòng hơn 1 tháng. Nụ bí bao tử đặc ruột, thịt quả chắc, ăn ngon, giòn, giá trị dinh dưỡng cao. Hiện tại, bí bao tử được thu mua với giá nụ bí là 30.000 đồng/kg; hoa bí là 10.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cao cho người dân. Theo tính toán của bà con, mỗi sào có thể cho thu hái 1,5 đến 2 tạ, giá trị kinh tế đem lại 5 – 6 triệu đồng/sào, cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa, ngô.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân các thôn khác liên kết với công ty nhân rộng mô hình, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ninh Thuận:

Giá dê, cừu tiếp tục tăng

Những tuần qua, giá thịt dê, thịt cừu tại tỉnh Ninh Thuận liên tục tăng cao, có thời điểm giá dê thịt lên đến 140.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm trở lại đây khiến người chăn nuôi rất phấn khởi.

Hiện nay, thương lái đang thu mua dê thịt ở mức từ 135.000 - 140.000 đồng/kg, cừu có giá dao động từ 125.000 - 130.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu năm giá dê, cừu hiện đã tăng từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Do giá dê, cừu thịt thương phẩm tăng mạnh nên nhu cầu mua con giống của các hộ chăn nuôi, chủ trang trại để tăng đàn cũng tăng theo. Hiện dê, cừu giống có giá từ 180.000 - 185.000 đồng/kg. Sau khoảng thời gian từ 6 - 8 tháng nuôi, mỗi con dê, cừu đạt cân nặng từ 25 - 30 kg có thể xuất bán. Nguyên nhân tăng giá được nhận định là do các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán ăn mở cửa hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 khiến nhu cầu tăng. Trong khi đó, nguồn cung thịt dê, cừu thương phẩm ở các địa phương khan hiếm khiến giá dê, cừu tăng mạnh. Giá dê, cừu ở mức khá cao giúp người chăn nuôi có được mức lợi nhuận tốt, tạo thêm động lực cho bà con phát triển các mô hình chăn nuôi dê, cừu để phát triển kinh tế. Để giúp người chăn nuôi tiếp tục đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cải tạo đàn dê, cừu gắn với quy hoạch vùng đồng cỏ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có tổng đàn dê trên 138.000 con, gần 130.000 con cừu. Ở Ninh Thuận, chăn nuôi dê, cừu chủ yếu theo hình thức chăn thả tự do, kết hợp nuôi nhốt cho ăn thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt tốt, an toàn. Sản phẩm dê Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu; sản phẩm thịt cừu được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý nhằm khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm đặc thù của địa phương.

Đà Lạt (Lâm Đồng):

Giá ớt chuông tăng

Tuần qua, giá ớt chuông Đà Lạt các màu giá đã tăng lên 45.000 đồng/kg, ớt sừng 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, ớt cay có giá tới 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá ớt tăng do dịp đầu năm 2020, giá ớt chuông, ớt sừng, ớt cay xuống quá thấp, nông dân không tiêu thụ được nên một diện tích lớn bị phá bỏ trồng loại cây khác. Đồng thời, do thời tiết mùa mưa không thích hợp với sinh trưởng của ớt nên sản lượng giảm, nhu cầu của thị trường lên cao khiến ớt Đà Lạt tăng giá. Hiện, nông dân đang tăng cường trồng và chăm sóc các loại ớt trở lại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thái Nguyên:

Trồng ba kích dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế cao

Thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc, giai đoạn 2018 - 2020”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện trồng cây ba kích tím dưới tán rừng keo trên địa bàn xã Nghinh Tường (Võ Nhai) và phường Châu Sơn (TP. Sông Công) với tổng diện tích 10 héc-ta. Các hộ dân được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ba kích tím… Qua đánh giá, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, trung bình 1 héc-ta (khoảng 4.000 cây), người dân sẽ thu được 6 tấn củ tươi. Với giá bán hiện nay dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg, bà con sẽ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/héc-ta. Ba kích tím là loại cây dược liệu dễ trồng trên các chất đất, chịu hạn tốt… Để càng lâu thì chất lượng sản phẩm dược liệu càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán cũng cao hơn. Vì vậy, người dân mong muốn mô hình được nhân rộng trong thời gian tới để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bình Tân (Vĩnh Long):

Nguồn cung giảm, giá hành lá tăng

Do nguồn cung giảm nên giá hành lá được thương lái thu mua tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hiện đạt mức gần 2 triệu đồng/tạ. Thời gian qua, giá hành lá luôn đứng ở mức cao nhưng người dân không dám đầu tư mở rộng diện tích sản xuất vì ngoài chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi công hành khi xuống giống cần từ 6 - 8 tạ hành giống, dẫn đến chi phí sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu không may giá hành lá xuống thấp thì người trồng sẽ thua lỗ nặng nên không dám mạo hiểm. Chính vì vậy, tuy hiện hành lá đạt mức gần 2 triệu đồng/tạ nhưng người dân không có để bán, chỉ có các hộ có nguồn hành giống sẵn có thì mới dám đầu tư trồng lại và hiện thu hoạch bán được giá cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão nên năng suất hành lá đạt thấp, chỉ trên 20 tạ/công. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, người trồng thu được lợi nhuận cao.

Trà Vinh:

Giá cua biển thương phẩm tăng

Hiện nay, giá cua biển thương phẩm ở thị trường Trà Vinh không ngừng tăng cao từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời gian đầu tháng 11/2020. Giá cua gạch được các đại lý thu mua 330.000 đồng/kg, cua thịt loại 2 - 3 con/kg giá 270.000 đồng/kg, cua thịt loại 4 con/kg có giá 250.000 đồng/kg, cua thịt 5 - 6 con/kg có giá 150.000 đồng/kg. Điều phấn khởi với hàng chục ngàn hộ nông dân nuôi cua biển ở Trà Vinh trong năm nay là giá cua thương phẩm luôn ổn định ở mức cao, dao động từ 160.000 - 250.000 đồng/kg đối với cua thịt và 300.000 đồng/kg đối cua gạch. Với giá cua thương phẩm như hiện nay nông dân nuôi cua mỗi năm 3 vụ sẽ thu được lợi nhuận từ 130 - 150 triệu đồng/héc-ta mặt nước. Nếu so sánh với nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, lợi nhuận từ nuôi cua biển đem lại tương đương, nhưng có ưu thế về tính an toàn hơn so với nuôi tôm nhiều rủi ro dịch bệnh. Hiện diện tích nuôi cua biển trong tỉnh Trà Vinh tăng cao nhất từ trước tới nay.     

Chiêm Hóa - Tuyên Quang:

Cần nhân rộng mô hình trồng gấc

Chiêm Hoá là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Thời gian gần đây, mô hình trồng gấc được nhân rộng đã giúp nhiều hộ dân miền núi có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Hiện trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có khoảng hơn 40 héc-ta gấc được trồng tại các xã: Kim Bình, Vinh Quang, Tri Phú, Linh Phú, Phúc Thịnh, Bình Phú. Trong đó, trên địa bàn xã Vinh Quang đã hình thành hợp tác xã chuyên thu mua sản phẩm gấc cho người dân trong vùng. Một số hộ gia đình chuyên thu mua, sơ chế màng gấc sấy khô bán lại cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu tại các tỉnh: Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang. Với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg màng gấc khô bán tương đối chạy. Riêng gấc tươi bà con luôn bán giá tương đối ổn định 6.000 đồng/kg, bình quân mỗi héc-ta gấc cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Với giá này, trồng gấc không chỉ giúp nhiều hộ gia đình tận dụng đất vườn tạp mà còn mang lại nguồn thu nhập cao.

Theo cán bộ khuyến nông, cây gấc ít bị sâu bệnh, dễ trồng, nhưng có một quy trình bà con phải tuyệt đối tuân thủ là khi gấc đã ra quả thì không được dùng thuốc bảo vệ thực vật. Bởi gấc sau chế biến được xuất khẩu ra nước ngoài dùng làm dược liệu, chế biến mỹ phẩm và dầu ăn, nên phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.

Hiện tại, gấc chỉ được trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà. Tuy nhiên, để phát triển mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, địa phương cần có định hướng, quy hoạch cụ thể để cây gấc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lạng Sơn:

Liên tiếp thu giữ nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu

Trong thời gian gần đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã liên tiếp phát hiện và thu giữ khối lượng lớn nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu qua địa bàn.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra và phát hiện phương tiện vận tải đang vận chuyển 2,5 tạ nguyên liệu thuốc bắc. Tại thời điểm kiểm tra phương tiện vận tải, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa đang vận chuyển trên xe. Lái xe đã thừa nhận số hàng hóa trên là nguyên liệu dùng để bào chế thuốc bắc có nguồn gốc từ Trung Quốc và được bán trôi nổi trên thị trường.

Trước đó, trung tuần tháng 9/2020, Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn phối hợp với lực lượng chức năng cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình đã bắt giữ gần 350 kg nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu. Ngày 25/9, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 423 kg nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu tại đường mòn khu vực biên giới Mốc 1245, thuộc thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình.

Theo cơ quan chức năng, tình trạng buôn bán, vận chuyển nguyên liệu chế biến thuốc bắc lậu, kém chất lượng từ biên giới Việt - Trung có xu hướng tăng vào các tháng cuối năm. Các chủ hàng thường mua nguyên liệu thuốc không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, rồi nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Sau đó tập kết ở Lạng Sơn và đưa về Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Việc buôn bán, vận chuyển các nguyên liệu bào chế thuốc lậu, không rõ nguồn gốc nguy hiểm ở chỗ, nếu các nguyên liệu này được bào chế thành thuốc thành phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

HÀNG VIỆT

Vĩnh Long:

Phát triển sản phẩm hàng hóa và du lịch địa phương

Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, thời gian qua, Vĩnh Long đã tập trung phát triển sản phẩm hàng hóa và sản phẩm du lịch có nguồn gốc từ địa phương.

Trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, tri thức và công nghệ địa phương, Ban Quản lý dự án OCOP tỉnh đã tổ chức kết nối giao thương, liên kết tiêu thụ nông sản cho các cơ sở sản xuất và vùng nguyên liệu nông sản. Qua đó, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã tìm đối tác cung ứng nguyên liệu tại các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP thuộc ngành hàng bưởi Năm Roi và khoai lang tại huyện Bình Tân và TX Bình Minh. Tại buổi kết nối này, các biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn đã được ký kết. Hiện tại, sản phẩm được tiêu thụ qua kênh truyền thống tại các cửa hàng tạp hóa, khu du lịch, các điểm dừng chân. Dự kiến sản phẩm sẽ được giới thiệu, trưng bày tại các khu di tích lịch sử và xúc tiến các kênh phân phối hiện đại thông qua mạng xã hội.

Theo Ban Quản lý dự án OCOP, phương thức hợp tác dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, thúc đẩy được sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của 2 bên. Đồng thời tạo sự gắn bó để các bên trao đổi thông tin về nhu cầu và thị trường cũng như chia sẻ mối quan hệ trong sản xuất và tiêu thụ.

Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy phát triển kênh phân phối sản phẩm, liên kết tiêu thụ các sản phẩm trên các lĩnh vực, chương trình khởi nghiệp và các sản phẩm nông sản của tỉnh. Chương trình này tập trung phát triển 6 nhóm ngành hàng như: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn.

Năm 2019, Vĩnh Long có 19 sản phẩm của 19 đơn vị đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Năm nay, toàn tỉnh có 45 đơn vị đăng ký tham gia với số lượng 62 sản phẩm đặc trưng của các địa phương đề xuất.

Nghệ An Triển khai chương trình OCOP:

90 sản phẩm sẽ đạt sao trong năm nay

Qua gần 2 năm triển khai, Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm tại Nghệ An đã được kết quả bước đầu khá ấn tượng. Đến tháng 9/2020, hầu hết các địa phương đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng 60 sản phẩm. Dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 90 sản phẩm đạt sao.

Nghệ An được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, có nền tảng vững chắc để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới là hoàn toàn phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng nhanh thu nhập.

Ý thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của OCOP, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 740/KH-UBND về tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm. Qua gần 2 năm triển khai, chương trình OCOP đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Hiện 21/21 huyện, thành, thị đã phê duyệt kế hoạch thực hiện. Qua khảo sát, các sản phẩm sau khi được công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên nhờ được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nên từng bước tạo dựng được uy tín, qua đó củng cố vững chắc niềm tin đối với số đông người tiêu dùng. Về mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Nghệ An sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm đã đạt sao OCOP. Trước mắt, phấn đấu có ít nhất 150 sản phẩm OCOP năm 2025; phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; phát triển ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao…

Năm nay, Nghệ An chủ động triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước nhằm tái khởi động nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại nhằm mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản địa phương, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng…