Thông tin thị trường giá cả số 50/2020

03:06 PM 13/12/2020 |   Lượt xem: 4186 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Nậm Đét (Lào Cai):

Giá quế cao nhất trong vòng 10 năm gần đây

Tháng 12 đường vào xã Nậm Đét, thủ phủ trồng quế của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nhộn nhịp như ngày hội. Những chiếc xe tải chờ sẵn, nối đuôi nhau bốc hàng. Các hộ đồng bào dân tộc nơi đây phấn khởi vì quế đang đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Hiện nay, giá vỏ quế tươi tại xã Nậm Đét đang được thu mua ở mức từ 27.000 - 32.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nơi thu mua đến đó. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các sản phẩm từ quế rất thuận lợi. Người trồng có thể tận thu bán vỏ và lá quế, thậm chí những thân cây quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định. Thông thường, giá quế trồng ở Nậm Đét cao hơn các vùng trồng khác vì theo các chuyên gia phân tích, lượng tinh dầu trong quế trồng ở Nậm Đét cao hơn và chất lượng tốt hơn.

Riêng quế hữu cơ luôn có giá từ 31.000 - 32.000 đồng/kg. Hiện nay, người trồng quế ở Nậm Đét có xu hướng chuyển sang trồng quế hữu cơ vì không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, không dùng thuốc diệt cỏ mà phát nương, làm cỏ theo cách làm truyền thống. Khi thu hoạch, phơi quế phải để nơi thoáng đãng, sạch sẽ trên nền trải bạt. Ngoài ra, lý do nông dân thích trồng quế hữu cơ hơn bởi giá thu mua quế hữu cơ cao hơn sản phẩm cùng loại khác. Điểm nổi bật của vụ này là đa phần các hộ trồng quế đã thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức trồng, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để chinh phục các thị trường khó tính.

Từ đầu năm 2020 đến nay, bà con nông dân ở các xã vùng hạ của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã trồng mới được 500 héc-ta quế. Hiện toàn huyện Bắc Hà có 8.700 héc-ta quế, trong đó diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 3.600 héc-ta. Vụ quế năm nay, bà con phấn khởi vì quế được giá và đạt cao kỷ lục. Nhiều đồng bào người Dao ở huyện Bắc Hà ví cây quế như “cây vàng” giúp đồng bào có thu nhập ổn định, đời sống khấm khá. Còn các cấp chính quyền địa phương nơi đây thì coi cây quế là cây trồng chủ lực giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Để hỗ trợ bà con xã Nậm Đét nói riêng và huyện Bắc Hà phát triển cây quế bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã phối hợp Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Yên Bái) tổ chức các lớp tập huấn sản xuất quế gắn với lập kế hoạch phát triển kinh doanh sản phẩm quế tại xã Nậm Đét. Tham gia lớp tập huấn là trưởng nhóm, phó nhóm, nông dân nòng cốt thuộc các tổ nhóm trồng quế của các xã: Nậm Đét, Bảo Nhai, Nậm Lúc, Cốc Lầu. Các học viên được hướng dẫn quy trình sản xuất, thực hành các bước sơ chế quế ống sáo như: Cách phân loại nguyên liệu trước khi sơ chế, kỹ thuật chà vỏ, bào quế, chẻ quế; kỹ thuật phơi ủ, ve quế, phơi khô; phân loại thành phẩm, bó và bảo quản sản phẩm sau sơ chế...

Giờ đây, thay cho việc thu hoạch và bán trực tiếp vỏ quế thô cho thương lái như trước kia, bà con đã tiến hành các phương pháp sơ chế làm quế cắt miếng, quế ống sáo, quế ống điếu… Những phương pháp này không khó thực hiện, nhưng có thể nâng cao giá trị của sản phẩm quế lên 30 - 40% so với giá thành hiện tại, lại tiết kiệm được nhân công. Bên cạnh đó, một số xã cũng quan tâm phát triển mô hình hợp tác xã quế; tăng cường liên kết với Công ty cổ phần Techvina thực hiện dự án trồng quế hữu cơ, góp phần phát triển vùng chuyên canh quế theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xóa nghèo, làm giàu cho bà con nông dân.

Lâm Đồng:

Tập trung tái canh cà phê

Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây cà phê, nhất là các giống cà phê chất lượng cao. Nhằm phát triển, chế biến và tiêu thụ cà phê chất lượng cao, năm nay, tỉnh tập trung cho tái canh cà phê.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương đã triển khai chương trình tái canh, ghép cải tạo cà phê từ năm 2006 và tập trung mạnh từ năm 2013 đến nay. Kết quả giai đoạn 2013 - 2020 đã thực hiện hơn 73.100 héc-ta, trong đó tái canh gần 38.000 héc-ta, ghép cải tạo hơn 35.000 héc-ta.

Qua thời gian thực hiện, chương trình đã có tác động lớn trong sản xuất, giúp trẻ hóa vườn cây cà phê. Phần lớn các diện tích cà phê sau tái canh cải tạo cho năng suất cao, ổn định trên 4,5 tấn/héc-ta, nhiều mô hình có năng suất 6 - 7 tấn/héc-ta, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,6 tấn/héc-ta năm 2012 tăng lên 3,2 tấn/héc-ta năm 2019. Trong năm 2020, diện tích, sản lượng, năng suất giảm so với 2019 và không đạt kế hoạch do một số diện tích cà phê vối tái canh chưa cho thu hoạch và chuyển sang cây trồng hiệu quả như rau, hoa… Bên cạnh đó, do giá cà phê xuống thấp nên việc đầu tư chăm sóc vườn cây của người dân hạn chế hơn. Tổng kinh phí tái canh, cải tạo giống toàn giai đoạn vừa qua là hơn 100 tỷ đồng. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí mua giống, tỉnh Lâm Đồng triển khai tốt các biện pháp kỹ thuật như trồng xen canh với cây trồng khác ngay trong năm đầu tiên trồng mà không chờ luân canh 2 năm theo quy trình của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng còn triển khai xây dựng 5 vùng sản xuất cà phê công nghệ cao với quy mô hơn 1.700 héc-ta.

Trong thời gian sắp tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phối hợp với các địa phương thực hiện công nhận vùng sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với xây dựng dữ liệu mã số vùng trồng cà phê tại các vùng sản xuất chủ lực. Từ đó, đáp ứng yêu cầu với xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất cà phê chuyên nghiệp từ việc tổ chức sản xuất, cung cấp giống, vật tư có chất lượng tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất đạt các bộ tiêu chuẩn như VietGAP, Utz, RA… Tổ chức lại sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị cà phê đặc sản từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và xuất khẩu.

Kiên Giang:

Giá gừng củ tăng cao

Huyện U Minh Thượng là một trong những địa phương có diện tích trồng gừng lớn nhất của tỉnh Kiên Giang. Năm nay, bà con trồng gừng rất phấn khởi khi gừng đạt năng suất cao và trúng giá.

Thời điểm này, giá gừng củ đang ở mức từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Trung bình mỗi 1.000 m2, nông dân thu hoạch khoảng 10 tấn gừng củ cho thu nhập 150 triệu đồng. Nếu trừ chi phí, người trồng gừng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/1.000 m2, cao gấp 4 lần so với năm 2019. Đặc biệt, tiêu thụ gừng rất thuận lợi, thu hoạch đến đâu đều có thương lái thu mua hết đến đó. Năm nay năng suất gừng đạt cao và giá tăng mạnh, có thời điểm trên 20.000 đồng/kg nên nông dân có lợi nhuận cao.

Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch xong diện tích gừng ở những vùng trũng thấp để tránh thiệt hai do mưa bão. Riêng gừng chính vụ thường thu hoạch tập trung vào tháng 12 hàng năm. Hiện nay, dù giá gừng đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cách nay hơn một tháng nhưng vẫn ở mức từ 15.000 -17.000 đồng/kg. Tuy giá có giảm, nhưng nhiều nông dân thu hoạch gừng trong lúc này vẫn phấn khởi vì so với cùng kỳ năm trước thì giá vẫn cao hơn gấp 3 - 4 lần. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, giá củ gừng sẽ tiếp tục tăng do nhiều công ty, xí nghiệp thu mua về làm mứt bán tết.

Với lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, gừng đang là loại cây trồng thích hợp phát triển ở vùng đệm U Minh Thượng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bà con nông dân nên trồng xen canh mùa vụ với nhiều loại hoa màu khác để đáp ứng nhu cầu thị trường hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp cải tạo đất màu mỡ hơn để các vụ mùa tiếp theo đều đạt năng suất, chất lượng cao.

Lâm Hà (Lâm Đồng):

Mở rộng diện tích trồng khoai lang

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng chủ lực, thời gian qua bà con nông dân huyện Lâm Hà đã nhân rộng diện tích trồng cây khoai lang. Khoai lang là loại cây trồng dễ trồng, dễ chăm sóc, ít tốn kém công lao động cho thu nhập cao. Vì vậy, việc nhân rộng diện tích cây trồng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số ở địa phương. Hiện nay, diện tích cây khoai lang của huyện Lâm Hà đạt trên 249 héc-ta. Trong thời gian tới, ngoài khuyến khích người dân ổn định diện tích, ngành chức năng huyện Lâm Hà tiếp tục hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm khoai lang nhằm phát triển bền vững cây trồng này.

Ninh Thuận:

Giá hành tím tăng cao

Trồng hành tím là một trong những nghề truyền thống của nông dân ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Hiện nay, hành tím củ đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/kg; hành giống có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Theo nông dân, đây là mức giá cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 900 héc-ta hành, tỏi, cây gia vị. Các địa phương này có điều kiện khí hậu cùng chất đất pha cát đặc thù rất thích hợp cho cây hành phát triển, cho củ hành to, chắc, thơm nồng, để được lâu nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất hành, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Song song với đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất hành tím gắn với tiêu thụ sản phẩm để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Sơn La:

Bắp cải tiêu thụ tốt

Những năm gần đây, nhiều nông hộ ở bản Hang Trùng 1 (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã chuyển đổi sang trồng rau bắp cải. Bước đầu việc trồng rau bắp cải đã mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định hơn so với trồng ngô.  Theo tính toán sơ bộ, trồng bắp cải thu lãi gấp 2 lần so với trồng ngô, hạn chế được công sức lao động. Hiện giá bắp cải dao động từ 10.000 – 11.000 đồng/kg và tiêu thụ tốt. Vì vậy, các hộ dân rất phấn khởi và đang tăng diện tích trồng.

Bình Tân (Vĩnh Long):

Tận thu dây khoai lang sau thu hoạch

Hàng năm, huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) sản xuất từ 10.000 - 12.000 héc-ta khoai lang các loại. Sau thu hoạch củ, lượng lớn dây khoai còn lại trên đồng ước tính khoảng 30 tấn/héc-ta (tương đương 300.000 tấn dây/năm). Đây là nguồn thực phẩm dồi dào để nông dân tận dụng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, tổng đàn bò của huyện chỉ trên dưới 650 con và dê, thỏ trên 10.800 con… thì không thể tiêu thụ hết lượng dây khoai sau thu hoạch. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đề xuất các nhà khoa học nên nghiên cứu lấy thân dây, lá khoai lang để sản xuất ra phôi dùng để ủ nấm. Trước mắt, bà con có thể tận thu thân, lá dây khoai để ủ phân hữu cơ, không áp dụng biện pháp chôn vùi truyền thống dễ gây ra ngộ độc hữu cơ cho vụ mùa sau.

Long An:

Trồng hoa thiên lý tăng thu nhập

Mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng hoa thiên lý đã giúp nhiều nông dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đức Huệ là huyện biên giới của tỉnh Long An. Tuy nhiên, đất đai nhiễm phèn nặng, thời tiết nóng quanh năm nên việc trồng lúa và hoa màu không mang lại thu nhập cao. Sau thời gian trồng thử nghiệm các loại cây, hoa màu khác nhau, nông dân huyện Đức Huệ đã chọn hoa thiên lý là cây trồng chủ lực. Bởi hoa thiên lý không chỉ đẹp, có mùi thơm đặc trưng mà còn được ưa chuộng làm thực phẩm trong chế biến món ăn, cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ điều trị bệnh. Vì vậy, nhu cầu sử dụng hoa thiên lý cao, đầu ra khá ổn định, giá bán hoa thiên lý trung bình từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. So với cây lúa, thiên lý cho thu nhập gấp 5 lần, tức khoảng 200 - 300 triệu đồng/héc-ta/năm. Ngoài ra, mô hình trồng hoa thiên lý còn tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng. Từ ngày huyện phát triển trồng hoa thiên lý, nhiều phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Đa số phụ nữ thu hoạch hoa thiên lý không có nghề nghiệp ổn định; đồng thời, lớn tuổi nên không thể xin vào làm việc ở các doanh nghiệp.

Nhờ đầu ra tiêu thụ thuận lợi, năm nay, một số hộ nông dân đã phát triển mô hình trồng hoa thiên lý theo hướng an toàn, VietGAP. Điều này giúp tạo ra sản phẩm hoa thiên lý chất lượng tốt, sạch, góp phần đưa hoa thiên lý trở thành cây màu thế mạnh của địa phương Có thể khẳng định, trồng hoa thiên lý không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cao Bằng:

Tăng cường ngăn chặn buôn lậu thuốc lá nguyên liệu

Thời gian qua, tại xã biên giới Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, tình hình buôn lậu thuốc lá nguyên liệu diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Tính từ tháng 9 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 1.000 bao với tổng trọng lượng hơn 25 tấn thuốc lá nguyên liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc tại khu vực biên giới các xã Ngọc Khê, Ngọc Côn và các xã nội địa như: Đức Hồng, Khâm Thành, thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh. Điển hình là  xã Ngọc Côn vốn là vùng trồng thuốc lá nguyên liệu, nay trở thành “điểm nóng” về tình trạng buôn lậu thuốc lá nguyên liệu. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng việc thu mua thuốc lá trên địa bàn để trà trộn với lượng lớn thuốc lá nhập lậu từ bên Trung Quốc về rồi bán kiếm lời bởi phía bên kia biên giới là vùng trồng cây thuốc lá của Trung Quốc. Chủ hàng người Việt Nam mua lá thuốc lá, tập kết, chỉ chờ lực lượng biên phòng lơi lỏng là thuê người dân, mang vác đến địa điểm tập kết. Do địa bàn rộng, trải dài lại có nhiều đồi núi hiểm trở nên rất khó cho các lực lượng chức năng tham gia ngăn chặn. Đặc biệt, gần đây, các chủ hàng bên Trung Quốc có thêm phương thức đóng bao tải nylon, mỗi bao nặng từ 15 - 25 kg rồi thả trôi từ đầu nguồn sông Quây Sơn về, sau đó báo người dân vớt lên đem về nhà cất dấu, chờ thời điểm thích hợp thì chuyển vào kho của các doanh nghiệp.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Cao Bằng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các lực lượng, địa phương để làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá nguyên liệu trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến để đồng bào các xã biên giới không tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn lậu thuốc lá nguyên liệu.

HÀNG VIỆT

Kinh nghiệm xây dựng sản phẩm OCOP ở xã 135

Bình Sơn là xã miền núi còn nhiều khó khăn thuộc diện 135 của huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, 2 sản phẩm chủ lực của xã là chè sạch Bình Sơn và mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Xã Bình Sơn hiện có khoảng 500 hộ dân trồng chè, trung bình mỗi hộ có từ 0,5 đến hơn 1 héc-ta chè. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đồng bào nơi đây chủ yếu sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, lẻ, manh mún. Do vậy để xây dựng sản phẩm đủ tiêu chuẩn được đánh giá xếp loại OCOP 3 sao là cả một quá trình với nhiều khó khăn, thử thách. Năm 2016, Hợp tác xã dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập. Hợp tác xã đã đứng ra liên kết 20 hộ trồng chè tham gia sản xuất tập trung, với tổng diện tích hơn 30 héc-ta. Để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã tổ chức đưa người dân đi học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình sản xuất chè ở nhiều tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang... Các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất hiện đại phục vụ cho công đoạn sao chè, đóng hút chân không, in lô gô, nhãn mác... tạo ra sản phẩm chất lượng, có mẫu mã đẹp.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã đã làm việc với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa đưa sản phẩm chè Bình Sơn giới thiệu tại các các điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh; tham gia một số hội chợ, triển lãm... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Khi trở thành sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Hàng năm, hợp tác xã đưa ra thị trường khoảng 45 tấn chè khô/năm, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ tham gia hợp tác xã, nhiều hộ đồng bào đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập từ cây chè.

Tương tự với sản phẩm mật ong hoa rừng nguyên chất, Hợp tác xã dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn cũng đứng ra liên kết được gần 400 hộ tham gia nuôi ong. Thay vì tập quán nuôi thủ công, tự phát như trước đây, các hộ đã được hướng dẫn quy trình nuôi công nghiệp, tuân thủ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, để tạo sự khác biệt về chất lượng, mật phải trên dưới 1 tháng mới được quay 1 lần để đủ thời gian lên men tự nhiên của phấn hoa, bảo đảm độ đặc và có màu sắc. Mật sau khi được thu gom, còn được đưa vào máy lọc để tách thành phần nước, tạo sự cô đặc, sau mới đóng chai, dán nhãn. Với giá bán tại chỗ dao động từ 150.000 – 170.000 đồng/chai, thu nhập bình quân mà nghề nuôi ong mang lại cho nhiều gia đình trong xã khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng của các sản phẩm OCOP, địa phương sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc quảng bá, giới thiệu và đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu các sản phẩm địa phương đến tay người tiêu dùng; hỗ trợ các cơ sở để quảng bá sản phẩm đặc trưng đến với khách hàng.

Sau khi đưa thành công 2 sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP, Hợp tác xã dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn đã trình hồ sơ, triển khai các khâu thủ tục để được công nhận thêm 2 sản phẩm OCOP tiếp theo là trà xanh túi lọc và trà cà gai leo đồi rừng. Đây là 2 sản phẩm được hợp tác xã sản xuất thành công từ năm 2019 theo dạng trà túi lọc.

Xây dựng 1 sản phẩm đủ tiêu chuẩn chứng nhận OCOP đã khó, nhưng đối với 1 xã miền núi thuộc diện 135 như xã Bình Sơn còn khó khăn hơn gấp bội phần. Đây chính là sự nỗ lực của các hộ sản xuất, của hợp tác xã và chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.