Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Ninh Bình

02:56 PM 23/02/2017 |   Lượt xem: 4867 |   In bài viết | 

Bà con dân tộc mường ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Người Mường ở Nho Quan hiện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như: Văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, người Mường sống xen kẽ với đồng bào Kinh nên ít nhiều cũng có ảnh hưởng, chính vì vậy việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội” và để những nét đẹp văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường luôn được huyện Nho Quan quan tâm.

Công tác bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội của đồng bào dân tộc Mường được triển khai có hiệu quả. Đến nay, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hiện ở Nho Quan có nhiều xã như Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương có đội cồng, chiêng góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Mường. Ngoài ra, công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, xuất bản truyện cổ, lời nói vần, nhạc cụ dân tộc Mường cũng được triển khai thực hiện hiệu quả thông qua việc xây dựng Đề án về bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường đang chờ UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong đó, đề án chú trọng đến công tác phục dựng lại nét đẹp và tạo không gian sinh hoạt văn hóa cồng, chiêng cho đồng bào Mường.

Người Mường có rất nhiều trò chơi dân gian, thường diễn ra trong các dịp lễ hội và Tết cổ truyền của dân tộc. Hiện nay, các trò chơi như ném còn, đánh mảng, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh đu… vẫn được đồng bào Mường chơi trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng.


Chị Đinh Thị Canh, người Mường ở thôn Cả, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan chia sẻ: Hiện nay người Mường ở địa phương vẫn còn truyền giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống như văn hóa cồng chiêng, các trò chơi truyền thống hay những làn điệu, câu hát, nghi lễ…

Hàng năm, huyện Nho Quan đều tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng từ thôn bản đến huyện, thu hút một lượng lớn đồng bào đến tham gia, cổ động; đồng thời tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước tại các xã có đồng bào dân tộc sinh sống, tạo không khí vui tươi phấn khởi, qua đó khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện Nho Quan thời gian qua là minh chứng cho hiệu quả của quá trình vận động, tuyên truyền để đồng bào Mường hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian. Những kết quả này cũng góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay do đặc điểm địa lý và đời sống của người Mường nên việc khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, nơi có 82% dân số là người dân tộc Mường đang sinh sống: Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn nên việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc không được chú trọng. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay không ý thức được hết tầm quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình...

Bà Bùi Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Nho Quan cho biết, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để lớp trẻ hiểu và có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, khôi phục lại các lễ hội của đồng bào...

Đầu năm 2017, UBND huyện Nho Quan đã tổ chức chương trình Giao lưu văn hóa dân tộc Mường lần thứ I. Đây là dịp để các nghệ nhân đồng bào Mường được giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần duy trì và phát triển các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.


Việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Đối với tỉnh Ninh Bình, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc vùng núi Nho Quan, mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội của huyện Nho Quan ngày càng phát triển.

(Theo: Thùy Dung - TTXVN)