Cấp thiết giữ gìn văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số
02:11 PM 03/01/2017 | Lượt xem: 5032 In bài viết |Đây là ghi nhận của các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Thực trạng, giải pháp giữ gìn, phát huy văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam” do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.
Hộị thảo nhằm đánh giá khách quan, khoa học về thực trạng phát triển văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; qua đó có kiến nghị với Đảng, Nhà nước về các giải pháp, chính sách, chương trình đầu tư để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với đặc trưng dân chủ, nhân văn và khoa học.
Hơn 60 tham luận gửi tới hội thảo đều thống nhất rằng trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả. Nhiều di sản văn học các dân tộc Mường, Thái, Tày Nùng, Dao, Ê đê, Mơ Nông... đã được sưu tầm, dịch, xuất bản. Nhiều điệu múa, làn điệu dân ca, nhạc cụ của các dân tộc đã được sưu tầm, chỉnh lý, phát huy tác dụng trong đời sống văn hóa.
Bước vào thế kỷ 21, xu hướng hội nhập thế giới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới. Về mặt văn hóa, cần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc để có đủ sức độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập. Thực tế trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa, việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống chủ yếu phải do các dân tộc gìn giữ, phát huy, nhưng cần có sự giúp đỡ của các tổ chức văn hóa ở các cấp.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu của Đề án là huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm phát triển văn hóa dân tộc; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với thực tế; tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của hơn 50 già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người có uy tín trong 16 dân tộc thiểu số ít người để cùng tìm ra giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp, hiệu quả.
Theo Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, giá trị văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đã thực sự trở thành sức mạnh trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam cũng như văn hóa các dân tộc thiểu số trong thời đại hiện nay là động lực, là mục tiêu của mọi thời kỳ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số đã, đang có những biến chuyển sâu sắc theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền các dân tộc cần được coi là nhiệm vụ cấp thiết.
Nhìn văn hóa Tây Nguyên dưới cái nhìn của người Tây Nguyên, nhạc sĩ - nghệ sĩ Krajan Plin, người đam mê sưu tầm, biên soạn lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian ở Tây Nguyên cho rằng, bản sắc văn hóa Tây Nguyên gắn liền với những cánh rừng, mất rừng nghĩa là văn hóa không còn. Vấn đề mất dần bản sắc không còn là vấn đề xã hội đơn thuần nữa mà có thể đánh giá trên bình diện nhân chủng học. Sự đánh mất bản sắc dân tộc tại miền Trung Tây Nguyên cũng như nhiều dân tộc vùng cao khác ở Việt Nam cho thấy nguy cơ bị tuyệt chủng sau khi mất gốc của họ là rất cao.
Theo Nhạc sĩ KraJan Plin, khi có sự quan tâm, tầm nhìn đúng đắn, khoa học, việc xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là việc bảo tồn văn hóa sẽ đạt được kết quả nhất định. Để bảo tồn, phát triển truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các nhà khoa học nên lập đề án trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, những giải pháp, quy mô một cách chi tiết. Bên cạnh đó, việc sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa phải được thực hiện dưới nhiều hình thức, có chiều sâu thông qua việc hình thành các mô hình bền vững mà ở đó, tự thân người bản địa nghiên cứu, hoạch định, rút ra thực tiễn, chịu trách nhiệm, quản lý có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ.
(TTXVN)