Giữ nghề làm khèn của đồng bào Mông

03:09 PM 01/08/2017 |   Lượt xem: 6845 |   In bài viết | 

Nghệ nhân làm khèn Giàng A Sử đang truyền dạy nghề làm khèn cho con trai mình.

Trải qua năm tháng, cây khèn vẫn được giữ gìn, lưu truyền trong cộng đồng người Mông như một “bảo chứng” quý báu. Huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) là nơi có hơn 70% người dân tộc Mông sinh sống, nghề làm khèn Mông được đồng bào gìn giữ. 

Đến Tủa Chùa hôm nay trong không gian thiên nhiên hoang sơ được bao quanh bởi những dãy núi sừng sững trùng điệp, bạt ngàn cao nguyên đá được điểm tô bởi màu xanh của nương lúa, chúng tôi gặp những chàng trai, cô gái đang nhảy múa bên tiếng khèn Mông. Những chàng trai, cô gái người Mông gửi gắm thông điệp thông điệp về tình yêu đôi lứa, sự gắn bó với bản làng, quê hương qua tiếng khèn đặc sắc của mình. 

Ở bản Huổi Lếch (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) có gia đình cụ Giàng A Sử (80 tuổi) còn lưu giữ nghề làm khèn do cha ông để lại. Ở tuổi xế chiều, sức khỏe cụ Sử đã yếu nhưng hàng ngày cụ vẫn say sưa chế tác, tạo ra những chiếc khèn có âm thanh mê hoặc lòng người. 

Cụ Sử cho biết: Từ khi còn nhỏ cụ đã được đắm chìm trong những âm sắc của tiếng khèn vào những dịp bản làng có lễ hội hay ở những phiên chợ. Từ năm 18 tuổi cụ Sử đã học nghề làm khèn với mong muốn gìn giữ những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa của người Mông. 

Hơn 10 năm học nghề với nhiều khó khăn, cụ Sử mới có thể tự tay làm ra được một cây khèn hội đủ được các tiêu chí của cây khèn chuẩn của đồng bào dân tộc Mông. Thoạt nhìn cây khèn trông có vẻ đơn giản nhưng theo cụ, để làm được một cây khèn phải trải qua nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ.

Để làm bầu khèn, người thợ phải tìm được loại gỗ không mối mọt như gỗ pơ mu hoặc cây gỗ thuộc họ thông. Sau khi tìm được loại gỗ thích hợp người thợ sẽ chế tác, tạo hình cho khúc gỗ đó thành bầu khèn, bổ đôi và khoét rỗng bầu. Để gắn lại hai mảnh bầu khèn, người làm khèn thường chọn vỏ của cây đào rừng vì vỏ cây đào rừng vừa làm chặt bầu khèn, vừa giữ âm tốt và trang trí cho bầu khèn được đẹp hơn. 

Bộ phận phối khí của cây khèn là những ống trúc được chọn lọc kỹ càng. Sau khi lấy ở rừng về phải để trong thời gian dài chờ thanh trúc khô lại mới lấy làm ống khèn. Một cây khèn thường có 6 ống được gộp chụm lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo đục lỗ trên mỗi ống. Khó nhất trong các công đoạn làm khèn là rèn “lưỡi gà” và chỉnh âm, "lưỡi gà" của khèn được làm từ loại đồng nguyên chất, được rèn cẩn thận, tán mỏng. Người thợ sẽ thử "lưỡi gà" bằng cách đập nhẹ vào tay rồi đưa lên tai nghe thử. Người mới làm khèn không phải ai cũng biết cách chỉnh âm. "Công đoạn chỉnh âm có thể mất một ngày và để hoàn thiện một cây khèn, nhanh nhất phải mất 3 ngày"- cụ Sử chia sẻ. 

Giờ đây anh Giàng A Khay (40 tuổi) con trai của cụ Sử cũng tiếp bước nghề làm khèn của bố. Anh Khay đến với nghề làm khèn từ khi mới 13 tuổi. Anh Khay kể, lúc đầu anh gặp rất nhiều khó khăn để có thể chế tác được một cây khèn, nhiều lúc anh nản chí. Nhưng rồi tình yêu với cây khèn đã giúp anh thành công. Hiện nay, công việc chế tác khèn cũng là công việc chính của gia đình anh, mỗi tháng anh làm được khoảng 10 cây khèn, bán với giá khoảng 1 đến 2 triệu đồng/cây khèn. “Chủ yếu là tự người dân ở các xã vùng cao tìm đến tận nhà lựa chọn khèn và mua”, anh Khay cho biết. 

Anh Khay chia sẻ thêm: “Với người Mông, cây khèn là một vật thiêng, nó gần như một phần máu thịt không thể tách rời. Được bố truyền dạy cách làm khèn, tôi sẽ gìn giữ và truyền dạy cho con cháu mình biết cách làm và sử dụng cây khèn Mông".  

Ông Vừ A Ký, Phó Phòng Văn hóa- thông tin huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) cho biết: Cây khèn rất quan trọng đối với người Mông và được xem là một vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với người Mông ở vùng cao Tủa Chùa. Khèn được dùng nhiều trong các dịp Lễ hội, chợ tình, kết duyên nam nữ. Cây khèn luôn gắn bó với người Mông khi đi làm nương, lúc ấy, tiếng khèn cất lên sẽ thay cho những lời nói, tâm tư và cả những ước mong về những điều bình dị nhất trong cuộc sống. Tiếng khèn sẽ “hóa giải” cho những thứ không thể diễn tả bằng lời. Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. 

Cũng theo ông Ký, hiện tại trên địa bàn huyện Tủa Chùa có một cơ sở truyền dạy cách sử dụng, gìn giữ cây khèn. Có hai nghệ nhân chế tác được cây khèn, trong đó có cụ Giàng A Sử. Năm 2014, cụ Sử đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là nghệ nhân cấp quốc gia. 

Nhiều năm qua, việc gìn giữ, phát triển cây khèn của đồng bào Mông được Phòng Văn hóa thông tin huyện quan tâm thực hiện nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cây khèn Mông. Được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển vùng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2011, Phòng văn hóa thông tin huyện Tủa Chùa đã mở một lớp dạy hát các làn dân ca dân tộc Mông và một lớp dạy chế tác và múa khèn Mông. Qua lớp học, con em là đồng bào dân tộc Mông không chỉ biết thêm về lịch sử, giá trị của cây khèn mà còn biết chế tác khèn, thổi khèn, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 

Người Mông thổi khèn để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình. Nghe tiếng khèn người Mông như quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống. Có thể nói, nếu tiếng khèn có một sức mạnh tinh thần diệu kỳ thì nghệ nhân chế tác ra cây khèn Mông chính là những người có “quyền năng” huyền bí bởi đã nắm bắt được cái hồn cốt của bản sắc văn hóa của dân tộc để tạo nên "báu vật Khèn" của người Mông.

PV