Nghệ nhân A Gyor nặng lòng với tượng gỗ dân gian

10:58 AM 26/09/2017 |   Lượt xem: 12622 |   In bài viết | 

Tượng gỗ của nghệ nhân A Gyor được bày bán tại cửa hàng lưu niệm của TP. Kon Tum

Trong quá trình phát triển của xã hội, không ít giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đứng trước nguy cơ mai một. Điều đáng mừng là ở một số buôn làng vẫn còn có những nghệ nhân nặng lòng, âm thầm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình.

Nghệ nhân A Gyor, dân tộc Xê Đăng, ở làng Kon H’rế, xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum là một người như thế.

Những sản phẩm điêu khắc như tượng gỗ, mặt nạ bằng gỗ, hay những chiếc tẩu hút thuốc... được bày bán ở các quầy hàng lưu niệm tại các điểm du lịch trong toàn tỉnh đã rất quen thuộc với người dân ở Kon Tum, cũng như với du khách. Người làm ra những sản phẩm độc đáo đó là nghệ nhân A Gyor, một trong số ít người nghệ nhân còn nắm giữ các bí quyết trao truyền của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng.

Đam mê nghệ thuật điêu khắc của tổ tiên từ nhỏ, hơn 20 năm nay, nghệ nhân A Gyor đã miệt mài lao động, sáng tạo ra hàng trăm bức tượng, hàng nghìn vật dụng đặc trưng đậm nét văn hóa của người dân tộc vùng Tây Nguyên. Các sản phẩm điêu khắc đó của anh đã và đang được du khách gần xa ưa thích.

Là một nghệ nhân tài hoa, từ những khúc gỗ vô tri vô giác, nghệ nhân A Gyor đã biến nó thành những bức tượng có hồn, có tình cảm, sống động, in đậm dấu ấn của Tây Nguyên đại ngàn. Ai nhìn vào cũng cảm nhận được tình yêu nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian của anh.

Nghệ nhân A Gyor tâm sự: “Mới đầu mình đam mê nghệ thuật điêu khắc chỉ với mục đích là để cho du khách gần xa biết đến một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình và để con cháu lưu giữ, không quên văn hóa truyền thống của tổ tiên. Nhưng không ngờ, tượng tạc ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Giờ thì tạc tới đâu bán hết tới đó, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”.

Không chỉ tạc tượng để bán cho khách du lịch mang lại nguồn thu nhập đáng kể bảo đảm cuộc sống gia đình, niềm vui lớn nhất đối với anh A Gyor chính là khi những bức tượng được dân làng sử dụng trong các lễ hội cộng đồng. Tiếng lành đồn xa, người dân các buôn làng trong vùng cũng tìm đến A Gyor mỗi khi cần tượng trang trí nhà rông, hay dùng trong lễ bỏ mả, các lễ hội khác của đồng bào Tây Nguyên.

Nghệ nhân A Gyor hướng dẫn hai con trai tạc tượng gỗ

Những nỗ lực và đam mê đã được ghi nhận, nhưng con đường duy trì môn nghệ thuật dân gian này của nghệ nhân A Gyor vẫn còn nhiều chông gai.

Đăm chiêu nhìn xa xăm, giọng không còn hào sảng như khi nói về niềm đam mê lúc trước, anh A Gyor cho biết: "Hiện giờ việc tạc tượng của mình gặp rất nhiều khó khăn. Gỗ thì không có, người ta phát rẫy chặt hết gỗ rồi. Rừng càng ngày càng xa, kiếm được gỗ để đẽo tượng không bị cong vênh, nứt nẻ khó khăn lắm".

Ông  Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum cho biết: "Do tỉnh còn khó khăn, nên với nguồn kinh phí hạn hẹp. Hằng năm ngành văn hóa chỉ hỗ trợ các nghệ nhân thông qua các chương trình như mở các lớp truyền dạy, tổ chức các hoạt động tham gia tuần văn hoá các dân tộc, tổ chức các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian... để qua đó những nghệ nhân am hiểu về lĩnh vực nào thì truyền dạy lại cho con cháu về lĩnh vực đó. Ngoài truyền dạy, lưu giữ, các nghệ nhân còn có trách nhiệm trong việc tuyên truyền và mở lớp truyền dạy trực tiếp cho thế hệ trẻ”.

Với mong muốn càng nhiều người biết thì sẽ có thêm người hiểu và yêu mến di sản văn hóa của ông cha, nghệ nhân A Gyor sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai muốn học. Hiện nay, cùng với một số thanh niên trong làng, hai con trai của anh là A Đỏ và A Đen đã có thể tham gia cùng cha trong một số công đoạn. Vậy là nghệ nhân của buôn làng - A Gyor, giờ không còn đơn độc khi theo đuổi đam mê của mình.

(Theo baochinhphu.vn)