Nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

03:20 PM 24/04/2020 |   Lượt xem: 7237 |   In bài viết | 

Thiếu nữ dân tộc Dao trong trang phục truyền thống của dân tộc

Di sản văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Tuyên Quang hết sức phong phú, đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là bản sắc văn hóa của các DTTS nói chung bị mai một hoặc biến đổi, thậm chí có dân tộc không tìm được các nét văn hóa đặc trưng. Theo thống kê cho thấy, dân tộc Tày có 57 di sản, trong đó 28 di sản đang bị mai một; dân tộc Cao Lan có 42 di sản, trong đó 18 di sản đang bị mai một; dân tộc Sán Dìu có 10 di sản, trong đó bốn di sản đang bị mai một... Hầu hết số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một đều chưa được lập hồ sơ. Lý do là, hiện nay, đồng bào không còn thực hành di sản, số người nắm giữ di sản văn hóa truyền thống còn ít, tài liệu lưu giữ về các di sản không có, khiến công tác sưu tầm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chưa có “sân chơi” cho đồng bào các DTTS giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc mình.

Đối với văn hóa vật thể, nhìn chung đồng bào các DTTS của Tuyên Quang vẫn sử dụng trang phục truyền thống nhưng chủ yếu là nữ giới và thường chỉ sử dụng vào dịp lễ, Tết, cưới hỏi, cúng bái và biểu diễn văn nghệ. Trong số những nguyên nhân dẫn đến biến đổi, mai một trang phục truyền thống phải kể đến sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội. Bởi hiện nay, để may và trang trí một bộ trang phục truyền thống tốn nhiều công sức và thời gian, trong khi đó, vải trên thị trường vô cùng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, mầu sắc, mẫu mã, giá lại rẻ. Nhà ở truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan và các ngành Dao (Thanh Y, Áo Dài, Quần Trắng) là nhà sàn, nhưng việc dựng một ngôi nhà sàn truyền thống tốn kém nhiều tiền và công lao động. Vật liệu để dựng nhà chủ yếu bằng gỗ, trong khi nguồn gỗ cũng rất hiếm, cho nên trong các làng bản DTTS hiện nay không còn giữ được nhiều ngôi nhà sàn truyền thống.

Có thể nói, để bảo tồn di sản trong cộng đồng, vai trò “hạt nhân” chính là các nghệ nhân dân gian. Đơn cử như di sản then được truyền từ đời này sang đời khác. Các nghệ nhân dân gian là những người kế tục, đưa then phát triển trong cộng đồng. Nếu không có các nghệ nhân dân gian giữ và tiếp lửa, di sản có nguy cơ mai một là khó tránh khỏi. Các nghệ nhân vừa có khả năng thực hành được nghi lễ then, vừa sáng tác, biểu diễn, quảng bá các làn điệu then mới ra công chúng. Tiêu biểu phải kể đến nghệ nhân Hà Văn Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa được coi là người “giữ kho báu” của làn điệu then cổ Tuyên Quang. Hơn 40 năm gắn bó với then, ông không chỉ sưu tầm, nghiên cứu mà luôn đau đáu trong lòng việc bảo tồn và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ vì nghệ nhân hiểu hơn ai hết, hát then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không rèn luyện thì sẽ bị mất dần đi. Những ngày đầu mở lớp, nghệ nhân Hà Văn Thuấn cũng lo lắm vì giới trẻ đã tiếp cận nhiều loại hình âm nhạc mới. Ban đầu lớp học mở ra chỉ có hơn chục người theo học. Tiếng lành đồn xa, người dân ở các thôn, bản trong và ngoài huyện Chiêm Hóa lần lượt kéo đến nhà ông để xin học hát các làn điệu then.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Hòa cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS, hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 16 dân tộc. Trong đó, nổi bật nhất là được UNESCO công nhận “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các DTTS được hỗ trợ thông qua thực hiện một số đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa của các DTTS, như: Nghiên cứu văn hóa truyền thống các dân tộc Pà Thẻn, Sán Dìu... Đồng thời, chú trọng duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của các DTTS như: Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội Cầu may, Cầu mùa của dân tộc Dao, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn...

Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó có giá trị di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh; nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tăng phân bổ nguồn vốn hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố; triển khai các đề tài khoa học liên quan việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương nơi đồng bào DTTS sinh sống. Bên cạnh đó cần quan tâm chế độ, chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích các hạt nhân văn nghệ có nhiều công lao, đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhằm ghi nhận và huy động những đóng góp tích cực của các nghệ nhân dân gian trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

(nhandan.com.vn, 22/4)