Khi những giọt sương còn đọng trên lá, giọt nắng đầu ngày còn chưa xuất hiện thì người dân tộc Lào ở bản Na Sang từ già trẻ, gái trai đã rộn rã kéo đến trung tâm văn hóa bản, sẵn sàng chào đón ngày Tết của dân tộc mình. Mỗi người một việc, những thiếu nữ Lào xinh xắn ríu rít chuẩn bị cho mình những bộ áo quần truyền thống, với chiếc váy “sinh” được làm bằng tơ lụa, dệt họa tiết tinh tế ở chân váy, áo được quàng chéo thêm chiếc khăn “Phạ biềng” gắn bằng khuy bạc với màu sặc sỡ, làm nổi bật dáng hình thon gọn của thiếu nữ Lào. Người già ở bản cũng có nhiệm vụ rất quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lễ vật để cầu khấn thần linh. Thanh niên thì được cử đi mổ bò, chuẩn bị trống chiêng, súng nước…
Để bắt đầu ngày hội, khi mọi người trong bản đã đến đầy đủ, thì cũng là lúc tiếng trống, tiếng chiêng vang lên hòa cùng tiếng hát, điệu múa truyền thống… Kết thúc phần văn nghệ, chính là lúc cả dân làng hướng về sân khấu, nơi diễn ra buổi lễ cầu khấn thần linh, phần lễ khấn này được giao cho những phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm trong bản chủ trì. Lễ vật gồm bánh nếp, hoa quả, chỉ quấn tay, nước thánh, xôi nếp… điều đặc biệt là lễ vật dâng lên thần linh chỉ có đồ ăn chay.
Khi thầy cúng cách tiếng khấn, mọi người dân đều im lặng, lắng nghe. Nội dung của lời khấn là đưa tiễn một năm cũ đã qua, chào đón năm mới, cầu mong ông trời, ông đất phù hộ cho mọi người trong bản được khỏe mạnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Nhân dịp này, thầy cúng cũng mời thần linh đến tham dự ngày Tết, cùng chung vui với mọi người…
Sau lễ khấn, tất cả mọi người cùng tiến lên ngồi cạnh bên lễ vật và được những phụ nữ lớn tuổi trong bản đeo chỉ tay chúc phúc một năm an lành, hạnh phúc, may mắn. Ngoài ra các vị khách cũng được quàng lên cổ một chiếc vòng đủ màu sắc được làm bằng lõi cây được lấy trên rừng.
Chiếc vòng mang ý nghĩa của sự đoàn kết, quanh năm luôn nở nụ cười trên môi. Cùng lúc đó một phụ nữ khác cầm nước thánh vẩy ướt cho tất cả mọi người để rửa trôi đi những bụi bẩn, những việc không may mắn của năm cũ. Sau phần lễ, dân bản tập trung ra bãi đất trống để cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống như rắn bắt ngóe, hổ vồ lợn, rùa ấp trứng, hái dưa… hòa chung với tiếng trống, chiêng, tiếng reo hò của mọi người làm cho không khí ngày tết tưng bừng, sôi động.
Bà Lường Sao May, ở bản Na Sang 1, Lúa Ngam huyện Điện Biên chia sẻ: Sau khi cầu khấn thần linh, cùng nhau vui chơi. Mọi người trong bản cùng kéo nhau đến các gia đình khá giả. Dẫn đầu đoàn là những người phụ nữ lớn tuổi, mặc áo quần truyền thống để xin các gia đình này tưới nước, chúc phúc. Theo quan niệm thì những giọt nước này tượng trưng cho những giọt nước của ông trời mang lại, ban phước một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mọi người khỏe mạnh, an bình hạnh phúc.
Trong ngày này, các gia đình trong bản đều chuẩn bị những chum, hụ để đựng nước, khách đến chơi nhà đều được gia chủ tưới nước lên người. Trẻ em bản thì chuẩn bị súng nước được làm từ ống tre, thỏa thích phun nước lên nhau. Trên các con đường, những chiếc xe kéo chở đầy nước được các thanh niên trong bản kéo đi té nước những người đi đường, các cô gái vui vẻ nô đùa bên dòng suối... tiếng nô đùa, tiếng cười không ngớt, không khí vui tươi khắp mọi nhà, xóm bản.
Chị Phạm Minh Châu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Điện Biên cho biết: Tết té nước của dân tộc Lào là một trong những di sản, đang được huyện lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản cấp quốc gia. Để làm việc đó, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân, đặc biệt là những người nghệ nhân của dân tộc Lào cùng nhau bảo tồn lễ hội này. Các bộ văn hóa thường xuyên tuyên truyền, động viên thế hệ trẻ ở bản dân tộc Lào hiểu được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cùng nhau giữ gìn, xây dựng nét văn hóa dân tộc ngày càng thêm giàu đẹp.
Ngày Tết té nước của đồng bào dân tộc Lào là một phong tục tốt đẹp, được lưu giữ lưu truyền từ bao đời nay. Tết Lào không những mang lại giá trị tâm linh mà còn có giá trị rất lớn về tinh thần, giúp cho đồng bào dân tộc Lào cùng nhau gắn kết, cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Đến tham dự Tết té nước của đồng bào dân tộc Lào, mọi người được hòa chung vào không khí rộn ràng của ngày Tết và hiểu thêm nhiều những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Lào, để cùng nhau bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của ngày Tết này.
(Nguồn: TTXVN)