Sáng sớm cuối tháng 8, sương giăng mắc trên đỉnh núi trắng xóa, che khuất tán cây rừng. Trong căn nhà sàn ở bản A Rem, xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), Y Nhôn chải đầu cho các con gái để lũ trẻ kịp đến trường, còn chị kịp vào rừng hái măng với hàng xóm. Phía bên trong, chồng chị là Đinh Pinh (35 tuổi) chuẩn bị cái gùi với con dao để vào rẫy, bảo vệ đám lúa gần đến kỳ thu hoạch.
Có với nhau bốn đứa con, lần lượt học từ lớp bốn đến chín, nhưng vợ chồng Pinh và Nhôn mới làm lễ cưới được một năm. Nhớ về chục năm trước, Y Nhôn là cô gái xinh nhất nhì bản, được bao chàng trai cặp kề.
Sau thời gian tìm hiểu, gia đình Đinh Pinh sang nhà gái làm lễ bỏ của (tương tự lễ ăn hỏi của người Kinh). Lễ vật chỉ là hai vò rượu, một con gà, nhà nào khá giả thì có thêm con lợn. Nhà gái thách cưới Pinh 10 triệu đồng, hai con lợn và 12 con gà. Lễ vật này dùng để nhà gái làm tiệc cưới, mời dân bản đến chung vui.
Việc thách cưới thường do người cậu của cô dâu (anh em trai của mẹ cô dâu) và bố cô dâu bàn bạc rồi đưa ra. Già làng Đinh Rầu lý giải thách cưới to hay nhỏ phụ thuộc vào gia đình nhà nữ có quyền chức, sang trọng, cô gái có xinh đẹp, đảm đang hay không.
Đinh Pinh hẹn ba tháng sau mang đủ lễ vật để đón cô dâu về nhà. Bấy giờ, chàng trai 25 tuổi chỉ đáp ứng được một phần. Dù vậy, nhà gái vẫn cho con gái “đi theo” Đinh Pinh, hai nhà giao ước rồi Pinh và Nhôn thành vợ chồng, dù chưa được làm lễ cưới. Cả hai ra riêng, dựng nhà, làm rẫy và lần lượt có với nhau bốn mặt con. Sau chục năm sinh sống, Pinh mới đủ sính lễ thách cưới.
Già làng Đinh Đu nói ngày trước thách cưới bằng bạc nén, nay thay bằng tiền mặt. Ảnh: Hoàng Táo
Trong căn nhà sàn ở bản A Rem, Đinh Hầu đang ngái ngủ, còn vợ là Y Khiếp bận chăm con ốm ở nhà ngoại. Sau ba năm làm lễ bỏ của, Đinh Hầu mới đủ tiền thách cưới là bảy triệu đồng, hai con lợn và 12 con gà. “Khi cưới vợ chồng đã hai mặt con, còn nay đã ba đứa”, Đinh Hầu kể.
Già làng Đinh Rầu bảo, sau nhiều năm sống tập trung ở bản làng, tục thách cưới vẫn là gánh nặng với nhiều chàng trai. Tuy nhiên, người A Rem không cấm đoán cực đoan, sau lễ bỏ của, đôi trai gái được về chung sống, sinh con đẻ cái, làm nương phát rẫy… và làm đám cưới khi có đủ lễ vật. Chỉ có điều vợ chồng trẻ không được làm bàn thờ trong nhà khi chưa tổ chức cưới.
“Nhà của người A Rem quan trọng nhất là bàn thờ. Chúng tôi thờ tổ tiên, thần rừng nơi tổ tiên người A Rem sinh sống. Vợ chồng có con lớn thì nhờ con giúp đỡ để làm lễ cưới, dựng bàn thờ”, già làng Đinh Rầu nói.
Già làng Đinh Đu không rõ tục thách cưới có khi nào, chỉ nhớ ngày trước người A Rem thách cưới bằng bạc nén, bò, lợn, gà và rượu đoác mời cả bản chung vui. “Tùy gia thế nhà gái mà họ thách cưới một đến năm nén bạc, còn nay thay bằng tiền mặt”, già làng Đu nói. Ngoài ra, lễ vật cố định là hai con lợn, 12 con gà.
Khách mời dự lễ góp vui bằng sản vật là gà lợn, nếp rẫy, đôi khi tiền mặt. “Dân bản chung với mình ra sao, sau này mình phải trả lễ lại như vầy”, già làng Đu nói. Lễ cưới là dịp bà con thể hiện sự đoàn kết, gắn bó với nhau trong cộng đồng.
Trẻ em A Rem ngày nay được ăn học, trường lớp khang trang. Ảnh: Hoàng Táo
Tục thách cưới được A Rem gìn giữ, truyền lại cho đến nay. Trong khi đó, nhiều tập tục khác của người A Rem được xoá bỏ như tục nối dây, tảo hôn, sinh đẻ một mình ở góc vườn, cúng bái mê tín dị đoan...
Già làng Đinh Rầu có một người vợ do tục nối dây. Chục năm trước, chú ruột già làng Rầu mất, buộc ông lấy thím làm vợ. Người vợ đầu được gọi là vợ cội, vợ sau là vợ ngọn. “Vợ là tài sản của người chồng, do bỏ của mà có. Người chồng mất thì anh em ruột phải gìn giữ thay người đã mất”, già làng Rầu giải thích.
“Tục nối dây được nhà nước vận động, người A Rem đã xóa bỏ rồi”, già làng Rầu nói.
Sau 1/4 thế kỷ sống tập trung, già làng Đinh Rầu nói người A Rem đã biết ăn chín uống sôi, cầm dao cầm cuốc lao động, biết đau ốm đi bệnh xá, trẻ em đi học… Cuộc sống đang ngày càng no ấm, đầy đủ hơn.
Những năm 60 của thế kỷ trước, bộ đội phát hiện người A Rem trong rừng rậm, đưa họ về sống tập trung tại các thung lũng bằng phẳng giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Khi ấy tộc A Rem chỉ có 18 người, đến nay là hơn 402. Người A Rem chỉ có hai họ, Đinh dành cho con trai và Y cho con gái. Toàn bản A Rem có 89 học sinh cấp một và hai, 35 trẻ mẫu giáo. Bản A Rem được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất gồm trường học, trạm y tế, đường bê tông. Hiện, hệ thống điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng và chờ đấu nối đưa vào sử dụng. |
(Theo vnexpress.net)