Chuyện vận động học sinh đến lớp ở “huyện 30a”

10:12 AM 21/11/2016 |   Lượt xem: 5039 |   In bài viết | 

Giờ học Tiếng Việt của các em học sinh lớp 1C, Trường tiểu học Đạ Tông (Đam Rông, Lâm Đồng).

Giữa buổi sáng, sân trường nghiêng bóng. Một vài lớp học đang vào tiết thể dục. Thấy có người lạ, nhiều ánh mắt sâu thẳm, trong veo của học sinh con em đồng bào dân tộc Cơ Ho, Tày, Dao, Nùng, Thái… nhìn chúng tôi lạ lẫm. Cô Nguyễn Thị Gia An, Phó Hiệu trưởng nhà trường đang đi kiểm tra các lớp. Cô Gia An cho biết: “Vui lắm, năm học này, lần đầu tiên toàn huyện huy động được 100% số học sinh đến lớp. Riêng Trường tiểu học Đạ Tông, phần lớn là con em đồng bào DTTS bản địa và phía bắc vào đây sinh sống, có những đặc thù riêng, cho nên phải có phương pháp vận động phù hợp”.

Trước thời điểm bước vào năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường cùng với giáo viên lên danh sách cụ thể, sau đó phối hợp chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên, già làng, trưởng bản đến từng nhà vận động học sinh đến trường. “Nhiều gia đình chúng tôi đến vài lần nhưng đều vắng nhà, do họ phải vào rẫy xa làm vườn. Chúng tôi phải kiên trì, chọn thời điểm thích hợp mới gặp được. Nhiều đêm, Ban Giám hiệu phải tìm đến từng nhà để làm công tác tư tưởng với phụ huynh, vận động cho con em đi học. Giờ thì mọi việc đã vào nền nếp rồi…”, cô An bộc bạch.

Dẫn chúng tôi thăm một số lớp “vỡ lòng”, những khuôn mặt ngây ngô như con nai rừng của con trẻ lấm lét nhìn chúng tôi. Chủ nhiệm lớp 1C, Trường tiểu học Đạ Tông, cô giáo Lơ Mu K’Hồng, giới thiệu: “Lớp tôi tất cả học sinh đều là con em đồng bào DTTS. Ngày đầu làm quen với lớp, với trường, lũ trẻ cứ khép nép, lạ lẫm, đôi mắt tròn xoe níu chặt lấy cô. Giờ thì các cháu đã quen cô, quen bạn”. Với kinh nghiệm hơn 20 năm đứng lớp tại Trường tiểu học Đạ Tông cho nên cô K’Hồng hiểu khá rõ hoàn cảnh gia đình học sinh trong xã. Những ngày đầu năm học mới, học sinh đến lớp chưa đủ, do có em không muốn đi học, có em chỉ thích theo cha vào rừng, lên rẫy; cuộc sống mưu sinh vất vả bám lấy nhiều gia đình… Do đó, ngoài giờ dạy ở trường, cô K’Hồng lại tìm đến từng nhà để trò chuyện với phụ huynh, học sinh. Sau khi nghe cô giải thích, vận động, các em đã đồng ý đến lớp.

Nhớ như in từng con số, cô Nguyễn Thị Gia An cho biết: "Năm học này, Trường tiểu học Đạ Tông có gần 460 học sinh, trong đó có gần 380 học sinh là con em đồng bào DTTS. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, vận động, cho nên hầu như không có học sinh bỏ học giữa chừng như những năm trước”.

Tháng mười, nam Tây Nguyên lấm tấm sắc loài hoa dã quỳ mộc mạc bên các sườn đồi. Đi giữa mênh mông đại ngàn, ngắm sự đổi thay đã hiển hiện trên từng nếp nhà, cung đường liên thôn. Hơn 30 năm làm già làng, già Liêng Hót Ha Chong vui ra mặt, khi chứng kiến sự đổi thay trên từng con ngõ quê mình. “Mình phải tuyên truyền để các gia đình cho con cháu mình đi học. Không có cái chữ khổ lắm, họ hiểu ra và ủng hộ thôi”, già Ha Chong thổ lộ.

Ngược về phía trung tâm huyện Đam Rông, từ xa đã nghe tiếng “ê a” thảng hoặc từ Trường tiểu học Liêng Srônh. Phó Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Hải Yến cho biết: "Trường tiểu học Liêng Srônh có ba điểm trường, với hơn 660 học sinh. Trong đó, 82% số con em đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Trước ngày khai giảng, các thầy giáo, cô giáo phải chia nhau đến tận nhà những học sinh thường xuyên theo cha mẹ lên rẫy, để thông báo lịch học, vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Nhờ vậy, mà trường bảo đảm sĩ số trong năm học mới”.

Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Dân số toàn huyện gần 50 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 74%, chủ yếu là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên và một số dân tộc từ các tỉnh miền núi phía bắc đến sinh cơ, lập nghiệp. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, diện mạo “huyện 30a” đã thay đổi đáng kể. Trong đó công tác nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là học sinh DTTS luôn được địa phương quan tâm. Huyện đã chỉ đạo các trường tích cực triển khai chuyên đề cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy tiếng Việt, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh DTTS, tổ chức chương trình giao lưu tiếng Việt cho học sinh bậc tiểu học; những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, tặng sách vở, đồ dùng học tập… để nâng bước các em đến trường.

Năm học này, huyện Đam Rông có 33 trường mầm non, tiểu học và THCS, với tổng số hơn 12.740 học sinh; 990 cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn 100% và trên chuẩn 62,9%. Những ngày đầu năm học mới, rất nhiều học sinh đã “quên” chuyện tựu trường. Sau vài tuần triển khai vận động, tỷ lệ học sinh đến lớp đã đạt 100%. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông Trần Phú Vinh cho biết: “Đây là năm học đầu tiên huyện Đam Rông vận động được 100% số học sinh đến lớp”.

Để đạt được kết quả nêu trên, ngành giáo dục huyện đã phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn thành lập ban vận động học sinh. Các ban có trách nhiệm đến các gia đình có học sinh nghỉ học hoặc bỏ học để vận động các em đến lớp. “Các ban vận động sẽ duy trì trong suốt năm học, hằng tháng báo cáo danh sách học sinh bỏ học, nghỉ học để tiến hành công tác vận động”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông cho biết.

Cuối thu, cái nắng như mật ong đổ vàng trên nương rẫy. Chia tay “huyện 30a” trong chiều trôi rất khẽ. Tiếng đọc bài trong trẻo, thơ ngây của con trẻ, tiếng giảng bài của cô giáo như nốt nhạc ngân vang giữa đại ngàn…

Theo: Mai Văn Bảo (nhandan.com.vn)