Đổi thay ở xã vùng sâu

09:08 AM 22/09/2016 |   Lượt xem: 2627 |   In bài viết | 

Xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Là xã vùng sâu của huyện Trà Cú, với trên 80% dân số là người dân tộc Khmer, người dân xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Từ Quốc lộ 54 đến trung tâm xã phải qua hàng chục cây cầu khỉ, mùa mưa thì lầy lội khó đi. Đời sống của người dân cũng vô cùng cơ cực, khó khăn, kinh tế kém phát triển.

Xác định xây dựng giao thông nông thôn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Đảng ủy, UBND xã Tân Sơn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Theo đó, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, Tân Sơn đã huy động nhân dân đóng góp được hơn 8 tỷ đồng, bao gồm: Hiến đất, cây trái, hoa màu, ngày công, tiền… để xây dựng giao thông nông thôn. Đến nay, đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%, tỉ lệ đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa đạt trên 54%, tỉ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa đạt trên 37%, tỉ lệ đường trục chính nội đồng đạt trên 52%. Việc cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi trên 120 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu vận chuyển được dễ dàng hơn không còn bị tư thương ép giá.

Người dân nhiệt tình góp công vào làm đường giao thông.

Ông Kim Sầm Nang, Bí thư ấp Đôn Chụm A cho biết: “Trước đây, muốn đi từ ấp này sang ấp kia rất khó khăn. Khi chính quyền có chủ trương làm đường bê tông, chúng tôi rất đồng tình góp công, góp của để thực hiện. Nhờ đó, việc đi lại của người dân nay đã dễ dàng hơn, sản xuất, giao thương cũng thuận lợi”.

Điểm dễ nhận thấy nhất trong phong trào xây dựng giao thông tại xã Tân Sơn là sự đồng tình, tự nguyện của nhân dân. Việc hiến đất làm đường đã là một nghĩa cử đẹp, còn việc góp sức góp tiền chung lòng của toàn thể người dân trong xã lại càng đáng quý hơn.

Sản phẩm của đồng bào dễ tiêu thụ hơn nhờ giao thông thuận lợi.

Ông Lý Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: “Trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở nói chung và xây dựng giao thông nói riêng, kinh nghiệm chủ yếu của chúng tôi là vận động nhân dân đóng góp tiền trên đầu công để cùng Nhà nước thực hiện giao thông. Mà muốn nhân dân đồng tình đóng góp thì địa phương phải công khai minh bạch, giải thích cho bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công trình, phân tích cho bà con hiểu được lợi ích thiết thực khi công trình được xây dựng”.

Thực tế đã chứng minh, sự chung tay góp sức xây dựng giao thông nông thôn đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Ngoài việc tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân, còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm và đây cũng là tiền đề để xã Tân Sơn tiến bước xây dựng đạt xã nông thôn mới.

Theo: Nguyễn Tân (baotintuc.vn)