Hỗ trợ đất sản xuất để tạo kế sinh nhai cho đồng bào
03:57 PM 05/12/2016 | Lượt xem: 3040 In bài viết |Chính vì thiếu đất sản xuất, nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Bum Tở gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chang Xì Che, Phó Bí thư thường trực của xã cho biết: Người dân không có đất sản xuất, nên hộ nghèo của xã lên tới 81%.
Tương tự, tại bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện mường Tè, tình trạng thiếu đất sản xuất cũng rất nan giải. Bản có 30 hộ đồng bào dân tộc Mảng sống nhờ vào trồng trọt, thì chỉ có 16 hộ có đất trồng lúa với diện tích vỏn vẹn 3,9ha. 14 hộ còn lại chỉ biết dựa vào làm nương, đi rừng, nên cái đói cứ bám riết quanh năm.
Tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào DTTS ở huyện Mường Tè cũng là thực trạng chung đối với hầu hết đồng bào tại các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay. Còn tại khu vực Tây Nguyên, tình trạng đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất cũng là câu chuyện bức xúc tồn tại suốt nhiều năm qua. Hiện vẫn còn khoảng 300.000 người thiếu đất sản xuất.
Thiếu đất sản xuất, người dân buộc phải phá rừng làm rẫy. Ông Ksor Ban người dân xã Chư Mố, huyện Iapa tỉnh Gia Lai cho biết: Thiếu đất sản xuất, bà con không còn cách nào khác là vào rừng phòng hộ phát rừng làm rẫy. Biết là vi phạm, nhưng bà con trong khi chờ Nhà nước cấp đất sản xuất ổn định không thể ngồi yên nhịn đói…
Trồng lúa, ngô trên đất nương cằn cho năng suất, chất lượng thấp.
Trước thực trạng trên, những năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS như: Quyết định 134, 1592, 74, 33 và gần đây nhất, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 755/QĐ-TTg phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với khu vực miền núi phía Bắc, vì quỹ đất sản xuất gần như không còn để bố trí, do vậy có những địa phương dù có tiền cũng không triển khai được.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè trăn trở: "Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, huyện chi trả cho đồng bào 15 triệu đồng/ha khai hoang. Nhưng tính đến nay, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ khai hoang được khoảng 86 ha đất sản xuất. Hiện tại, dù có tiền nhưng muốn cũng không thể làm hơn được vì quỹ đất không còn".
Tạm bỏ qua vấn đề về nguồn lực, thì nguyên nhân vướng mắc này chính là ở cơ chế phối hợp thực hiện, bởi trách nhiệm quản lý đất đai không rõ ràng. Cụ thể, Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc bố trí đất sản xuất cho đồng bào, nhưng cơ quan này lại không có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, nên không có thẩm quyền thu hồi đất của các nông lâm trường. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các địa phương cũng như các ngành khác. Vì vậy, cơ chế thực hiện cần phải được xem xét lại một cách hợp lý…
Theo: baotintuc.vn