Làm giàu trên quê mới

03:18 PM 20/09/2016 |   Lượt xem: 2400 |   In bài viết | 

Đồng bào Thái ở bản tái định cư Nà Tân (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Xã Tân Lập lần lượt đón 360 hộ dân về tái định cư. Các hộ dân được chia thành 5 bản mới và 2 bản xen ghép. Người dân xã Tân Lập đã nhường cơm, xẻ áo, chia sẻ những khó khăn với các hộ tái định cư trong những ngày đầu đến quê mới. Tại bản Nà Tân, nơi có gần 100 hộ dân đầu tiên của Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La chuyển về sinh sống, một màu xanh trù phú đã phủ khắp bản làng.

Những dãy nhà đều tăm tắp xen lẫn những vườn rau, chuồng trại và những con đường bê tông trải dài tít tắp. Khác với quê cũ chỉ trồng lúa, ngô, ở quê mới, bà con dần làm quen với cách trồng, chăm sóc chè, các loại rau màu và chăn nuôi gia súc nên cuộc sống đỡ vất vả hơn mà thu nhập lại khá hơn.

Trong các bản tái định cư ở đây thì người dân ở Bản Hoa 2 có đời sống kinh tế phát triển ổn định hơn cả. Theo lời trưởng bản Lường Văn Inh, khi đến Tân Lập, mỗi nhân khẩu được chia 1.000m2 đất chè và 1.000m2 đất canh tác. Sau nhiều năm, cây chè phát triển, cho thu nhập ổn định nên đời sống của người dân trong bản cũng dần khá hơn.

Anh Lò Văn Tưởng ở bản Nà Tân kể, lúc đầu, khi đưa cây chè vào trồng người dân trong bản ít nhiều e ngại vì từ trước đến nay bà con chỉ quen canh tác lúa, ngô, khoai. Thế nhưng được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng chè nên bà con dần làm quen với cây trồng mới này và giờ thì cây chè đã giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.

Gia đình anh được cấp trên 5000m2 đất. Sau 9 năm trồng chè, năm 2014, gia đình anh thu được 14 tấn chè búp tươi, bán giá 6.700đ/kg. Tổng thu nhập cả năm của gia đình anh đạt trên 80 triệu đồng.

Cùng với Tân Lập thì bản Cang Mường, xã Mường Trai đón hơn 50 hộ dân về đây tái định cư. Khác với bà con xã Tân Lập phát triển thế mạnh cây chè, ngoài diện tích đất sản xuất được giao theo quy định, tận dụng diện tích mặt nước của lòng hồ thủy điện Sơn La, bà con ở đây đã triển khai mô hình nuôi cá lồng và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc trồng trọt.

Người đầu tiên đi tiên phong trong mô hình nuôi cá lồng bè – anh Lường Văn Thủy cho biết, từ khi thủy điện Sơn La ngăn dòng, nước đã dâng lên ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư nuôi cá. Nhà anh đầu tư tới 10 lồng cá, trung bình, mỗi lồng mang lại thu nhập hơn 1 triệu đồng. Tính sơ sơ mỗi năm gia đình anh thu nhập cả trăm triệu đồng – một con số không nhỏ đối với một gia đình nông dân ở vùng này.

Hầu hết các hộ tái định cư chuyển đến nơi ở mới đều có nhà cửa ổn định, có diện tích đất canh tác và nuôi trồng. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến đời sống của người dân, tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ mua sắm công cụ lao động. Nhờ đó, các hộ tái định cư ổn định và có điều kiện phát triển, với thu nhập bình quân đầu người đạt 1 triệu đồng/người/tháng.

Một màu xanh trù phù với những đồi chè trải dài tít tắp cùng những mô hình kinh tế mới đang hiện diện rõ nét trên quê mới. Những khó khăn, vất vả của ngày đầu tái định cư đang lùi xa, bà con yên tâm bám đất, bám bản để ổn định sản xuất, từng bước xây dựng một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc trên vùng đất tái định cư.
 

Theo: Thanh Trà (daidoanket.vn)