Ngư Hóa xóa đói nghèo từ trồng rừng

07:58 AM 14/10/2016 |   Lượt xem: 2564 |   In bài viết | 

Người dân xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa thu hoạch rừng trồng.

Xã Ngư Hóa vốn biệt lập với thị trấn huyện lỵ Đồng Lê. Muốn đến Ngư Hóa, bất cứ ai cũng phải chọn một trong bốn cách: thứ nhất, ngược ra đất Hà Tĩnh rồi vòng lại; thứ hai, cắt rừng trèo núi từ phía xã Quảng Hợp, Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch để đi bộ vào; thứ ba, đi thuyền máy từ phía chân cầu Minh Cầm ngược lên phía thượng nguồn ngọn Rào Trổ lắm thác, nhiều ghềnh; thứ tư, từ quốc lộ 12A men theo ngọn Rào Trổ, ngược nguồn sông Gianh rẽ vào. Nói chung, tuyến đường nào đến Ngư Hóa cũng xa xôi, gập ghềnh và gian khó.

Cách trở chính là một trong những nguyên nhân khiến cho Ngư Hóa chưa tiến kịp các địa phương khác, là một trong số ít các xã nằm trong tốp nghèo nhất ở Tuyên Hóa... Có thời điểm, nhiều hộ dân trong xã đã tứ tán kéo nhau vào miền nam kiếm sống. Số bám trụ ở lại cũng loay hoay với mấy sào lúa và đất màu ít ỏi, bấp bênh, buộc phải sang tận đất Hà Tĩnh làm thuê. Thế nhưng, năm năm gần đây, Ngư Hóa đã có nhiều khởi sắc.

Điều đáng nói là Ngư Hóa đã biến sự bất lợi về địa hình, đất đai thành lợi thế để phát triển kinh tế, đó là đẩy mạnh việc trồng rừng. Chủ trương, chính sách phát triển kinh tế này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Xã tổ chức rà soát lại toàn bộ quỹ đất và các triền núi có thể trồng rừng kinh tế để giao cho người dân. Từ những cánh rừng trồng ban đầu, các hộ dân Ngư Hóa học tập kinh nghiệm lẫn nhau và bắt đầu nhân rộng mô hình này. Đến nay, xã Ngư Hóa đã trồng được gần 1.000 ha rừng keo lai, bạch đàn và cao-su, dẫn đầu huyện Tuyên Hóa về diện tích rừng trồng. Trong số diện tích rừng trồng nói trên, có hơn nửa diện tích đã cho thu hoạch với giá trị hàng chục tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hà Văn Cảnh ở thôn 5, xã Ngư Hóa, một hộ nghèo đã biết vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng. Anh Cảnh cho biết, trước đó đã xa nhà đi làm ăn tận các tỉnh phía nam nhưng thu nhập cũng bấp bênh. Đi rồi mới biết, tiềm năng để phát triển kinh tế ở địa phương là rất lớn nhưng người dân chưa biết phát huy. Nghĩ vậy, nên anh Cảnh quyết định vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình anh có tới 20 ha rừng keo, tràm và các loại cây khác; đàn bò sinh sản có sáu con, giải quyết việc làm cho nhiều thành viên trong gia đình và lao động ở địa phương. Rừng cây của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ gia đình anh Cảnh, Ngư Hóa hiện nay còn có rất nhiều hộ trồng rừng với diện tích từ 10 ha trở lên, như các hộ anh Lê Viết Cường ở thôn 4 (15 ha), anh Thái Văn Thế ở thôn 3 (15 ha), anh Trương Văn Nhỏ ở thôn 1 (12 ha)...

Theo Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong, xã có gần 150 hộ và hơn 500 nhân khẩu. Tính bình quân mỗi hộ có hơn 3 ha rừng trồng kinh tế. Thu nhập từ trồng rừng đã giúp người dân xây được nhà ở kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền...

Từ khi đẩy mạnh nghề rừng, nhu cầu về việc làm tại xã Ngư Hóa khó khăn đã cơ bản được giải quyết. Ngoài gần 200 lao động chính của xã tập trung cho việc chăm sóc gần 1.000 ha rừng và trang trại, gia trại chăn nuôi, hàng trăm lao động cũng được thuê mướn từ các xã khác đến Ngư Hóa để thu hoạch rừng. Từ chỗ hầu hết các hộ dân ở Ngư Hóa đều nằm trong diện đói nghèo thì nay cả xã chỉ còn khoảng 30% số hộ nghèo. Điều quan trọng là nguồn thu từ rừng đã tạo ra tiền đề, nội lực để góp sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Từ địa phương đứng “đội sổ” về xây dựng nông thôn mới, đến nay, Ngư Hóa đã thoát khỏi diện xã có dưới năm tiêu chí trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trước đây do địa hình cách trở, cho nên chi phí vận chuyển gỗ tăng cao, việc tiêu thụ sản phẩm rừng trồng gặp khó dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả nghề trồng rừng tại Ngư Hóa. Trong năm nay, tuyến đường Mai Hóa - Ngư Hóa hoàn thành, nối trung tâm huyện Tuyên Hóa gần hơn với xã vùng cao này, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao thương.

Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Cùng với chăn nuôi, trồng rừng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nay có đường giao thông, tiềm năng đất đai của địa phương sẽ tiếp tục được khai thác. Trong thời gian tới, xã Ngư Hóa đề nghị cấp trên cho phép chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt, tận dụng quỹ đất để trồng rừng kinh tế. Cùng với các loại cây lấy gỗ, xã vận động người dân phát triển cây cao-su bởi bước đầu cho thấy loại cây công nghiệp này phù hợp với đất Ngư Hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, nuôi ong mật dưới tán rừng để tận dụng mặt bằng và có thêm nguồn thu". Có thể nói, khi người dân đã thấy được lợi ích của việc trồng rừng thì họ rất mạnh dạn đầu tư phát triển diện tích rừng. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với lòng dân và đang phát huy hiệu quả ở xã vùng cao Ngư Hóa.

 

Theo: Hương Giang (nhandan.com)