Khác những lần trước, lần gặp lại này, ông Sung vui lắm, cứ nằng nặc rủ về nhà, rủ về xã cho bằng được. Ông bảo, người Mông, đã coi nhau là bạn thì phải đến nhà, phải thăm nhau mới biết đói no thế nào chứ. Đoán định tâm trạng ông cùng với những đổi thay ở Nậm Kè, tôi vượt dốc theo Lò Văn Sung.
Con đường nối huyện với xã, trước những năm chia tách, khó khăn thế nhưng nay đã có những thay đổi. Dọc đường đi, không còn những khe nước nổi phềnh màu đỏ của váng chua, hoang hóa mà thay vào đó đã là những cánh ruộng, lúa đang đứng cái cùng hứa hẹn cho mùa vàng sắp tới.
Dọc đường, ông Lò Văn Sung kể cho tôi nghe về chuyện làm ấm bụng và ruộng nước hóa ở đất này. Ông bảo, tất cả mọi thứ đều do đói nghèo mà ra cả. Theo ông Sung, trước, dân trên đây chủ yếu làm nương thôi. Cái hình thức canh tác này đều trông nhờ trời cả nên đói no phập phù lắm. Phải làm ruộng nước thì mới chủ động và cho năng suất cao được. Học theo cán bộ, theo người miền dưới, ông Sung đã hướng dẫn và khuyến khích dân mở ruộng.
Bằng việc tận dụng các khe suối, nơi đất bằng, với việc toàn dân chung sức này mà chả bao lâu, từ chỗ là xã hầu như không có ruộng nước, đến nay Nậm Kè đã có tới gần 200 ha lúa nước.
Bằng việc ruộng hóa đất hoang này, riêng trong 2 năm gần đây, Nậm Kè đã hoang hóa được thêm 40 ha lúa nước nữa. Bằng việc mở ruộng, chủ động được nước này mà cây lúa nước ở Nậm Kè dường như đã đem thóc về cho dân nhiều hơn. Sản lượng tăng, lương thực được đảm bảo, Nậm Kè đã nhanh chóng xóa đi những hộ đói. Đến thời điểm này, Nậm Kè đã không còn hộ đói, bình quân lương thực đầu người đã đạt 485kg, tăng 85kg so với năm trước.
Giữa những cánh ruộng xanh mướt mát, ông Lò Văn Sung vui vẻ: Tất cả mọi sự phức tạp đều do đói kém mà ra cả. Trưởng bản Sùng A Kỷ vui vẻ: Bằng việc đưa ruộng lên núi này nên dân Huổi Khon cũng như toàn xã Nậm Kè đã no bụng lắm rồi. Cũng nhờ ruộng nước và canh tác mới mà bản mình đã có tới 70% hộ gia đình có tiền để mua xe máy và tivi. Nước sạch cũng đã được Chính phủ đầu tư cho bản mình bằng 4 bể chứa đấy...
Hiện nay, bằng việc mở ruộng, đẩy mạnh sản xuất mà hộ nghèo ở Nậm Kè đã giảm nhanh chóng. Theo thống kê mới đây, tỷ lệ nghèo 45,3%, nay chỉ còn 23%, vượt gấp 2 lần chỉ tiêu hộ nghèo hàng năm được giao. Một số bản như: Phiêng Vai, Nậm Kè, Chuyên Gia 3, Huổi Thanh 1, Huổi Thanh 2 đều có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%.
Tại 11 bản hiện nay của Nậm Kè đều được quy hoạch để phát triển đồng cỏ, tạo bãi chăn thả gia súc. Nhờ diện tích đồng cỏ này mà đàn gia súc phát triển nhanh, trung bình mỗi năm, người dân bán khoảng 150 gia súc ra thị trường.
Trong các gia đình ở Nậm Kè thì gia đình các ông như Vàng A Giống, Thào A Sang (Huổi Khon), Vàng A Sử (Huổi Hốc) nổi tiếng là chăn nuôi và làm ăn giỏi. Trong mỗi hộ gia đình này luôn duy trì tới 10 con gia súc được chăn thả. Riêng nhà ông Vàng A Sử, năm vừa qua đã có thu nhập tới 100 triệu đồng từ việc bán trâu, bán thóc. Nhờ nguồn thu nhập này mà các con ông được học hành đầy đủ, gia đình mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền.
Theo: Đơn Thương