Giáo dục vùng cao có nhiều khởi sắc trong năm học 2021 - 2022
02:11 PM 12/08/2022 | Lượt xem: 3794 In bài viết |Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước.
Năm học đặc biệt nhất
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.
Để ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành Giáo dục đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên.
Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị
Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành.
Trước tình hình đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD&ĐT: Hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19; duy trì chất lượng giáo dục các cấp học; triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì chất lượng đào tạo, cung cấp; quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao; tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các…
Giáo dục vùng cao nhiều điểm sáng
Theo Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục, năm học vừa qua chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú dần được nâng lên. Phần lớn các trường đã trở thành các cơ sở giáo dục có chất lượng tại các vùng DTTS, miền núi.
Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường PTDT nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp THPT của các trường PTDT nội trú đạt 98,7%. Chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông có học sinh bán trú có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%, học sinh bán trú cấp THCS hoàn thành cấp học đạt 92%; có 15,5% số trường PTDT bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính Hà Nội
Triển khai Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030", các địa phương đã chú trọng việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ người DTTS trước khi vào lớp 1 như: Tổ chức lớp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ (khoảng 1 - 2 tháng) trước khi vào lớp 1; biên soạn tài liệu chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt phù hợp với địa phương; cấp phát miễn phí sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và đồ dùng học tập cho học sinh học tiếng DTTS.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương đề xuất nhu cầu của ngành để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS và miền núi.
Còn đó những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như:
Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép với khoảng cách xa nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều bất cập.
Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS, miền núi…
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước
Chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục vùng DTTS còn bất cập, một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu, lãnh đạo Sở Giáo dục các tỉnh trên cả nước cũng đã đưa ra nhiều khó khăn trong năm học vừa qua. Đồng thời có những kiến nghị đề xuất gửi tới Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu kiến nghị: Để tiếp nối Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả, ngành GD&ĐT Lai Châu mong muốn có chương trình hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho các nhà trường. Đặc biệt là những trường ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành Giáo dục đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Đây là năm học vượt khó của ngành Giáo dục do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD&ĐT đã đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.
(baodantoc.vn)