Khó khăn trong dạy tiếng dân tộc thiểu số
03:31 PM 09/01/2018 | Lượt xem: 4020 In bài viết |Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn, từ năm 2000, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) triển khai thí điểm dạy tiếng Ba Na cho một số học sinh tiểu học trên địa bàn.
Đến nay, Chương trình đã được triển khai rộng rãi trong các trường học của tỉnh và nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh và các em học sinh tiểu học.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Kon Tum, Đinh Thị Lan cho biết: Nhu cầu học tiếng DTTS của học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum khá cao. Năm học 2009 - 2010 có 599 học sinh; năm học 2010 - 2011 tăng lên 771 học sinh, đến năm 2015 - 2016 đã có hơn một nghìn học sinh đăng ký. Việc được học tiếng DTTS của dân tộc mình không chỉ học sinh hào hứng mà các bậc phụ huynh cũng nhiệt tình ủng hộ. Cô giáo Y Lưu, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình xã Đắc Rơ Wa, TP Kon Tum cho biết: Phụ huynh rất phấn khởi khi con em được học thêm tiếng Ba Na, vì trước đây các bậc cha mẹ nói được tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai nhưng phần lớn lại không biết đọc, biết viết. Sau khi được học tiếng dân tộc mình, các em không chỉ nói được mà còn đọc, viết được khiến ai cũng mừng và tự hào.
Tuy nhiên, một số trường tiểu học thiếu phòng học cho nên các lớp học tiếng Ba Na, Gia Rai ở Kon Tum phải học nhờ ở nhà Rông của làng; có điểm trường phải sử dụng nhà công vụ của giáo viên. Nhiều điểm trường học sinh đăng ký học thêm tiếng DTTS nhưng không có giáo viên nên không thể triển khai. Chúng tôi đi thực tế tại điểm trường Nguyễn Thái Bình xã Đắc Rơ Wa, TP Kon Tum. Đây là điểm trường đưa tiếng Ba Na vào giảng dạy từ năm học 2008 - 2009, được đánh giá là tổ chức tốt việc học tiếng DTTS cho học sinh. Cô giáo hiệu trưởng Doãn Kim Huế cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà trường đã tạo mọi điều kiện để tất cả học sinh được học tiếng Ba Na theo nguyện vọng. Kết quả đánh giá về môn học tiếng Ba Na trong nhiều năm qua, phần lớn các em đều đạt từ trung bình trở lên, có nhiều em đạt loại giỏi.
Tuy nhiên, bất cập nhất của chương trình là từ năm học 2008 - 2009 đến nay, nhà trường chỉ được cấp phát một lần sách giáo khoa (sách dạy học tiếng Ba Na) với số lượng 100 cuốn cho ba khối lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Qua nhiều năm dùng chung, bộ sách này đã rách rời, hư hỏng, chưa được cấp mới. Để có sách cho học sinh học tập, nhà trường đã phải tự trích kinh phí để phô-tô-cóp-py sách cho các em. Theo cô giáo Y Lưu, giáo viên dạy tiếng Ba Na của trường cho biết, học sinh DTTS rất phấn khởi, tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu khi tiết học có tranh ảnh trực quan. Sách phô-tô-cóp-py không có mầu, không có bộ tranh dạy học... phần nào đã làm giảm sự hưng phấn tiếp thu bài của học sinh. Vì vậy khi được phân công dạy tiếng Ba Na cho các em, cô Y Lưu đã phải tự mày mò làm đồ dùng dạy học, sưu tầm tranh, ảnh để phục vụ công tác giảng dạy.
Theo Sở GD và ĐT tỉnh Kon Tum, hiện nay nhu cầu học tiếng DTTS của học sinh trên địa bàn tương đối cao. Tuy nhiên, cùng với hạn chế về các điều kiện cơ sở vật chất nói chung, vấn đề đội ngũ giáo viên thiếu hụt và thiếu tính kế thừa là nguyên nhân cơ bản mà ngành chưa đáp ứng được hết theo yêu cầu. Theo báo cáo của ngành giáo dục Kon Tum, tất cả giáo viên dạy tiếng DTTS hiện nay trên địa bàn đều chưa được đào tạo về nghiệp vụ dạy tiếng dân tộc. Việc mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS tại trường cao đẳng sư phạm địa phương gặp khó khăn do thiếu đội ngũ giảng viên và thiếu kinh phí triển khai.
Mặt khác, theo yêu cầu của Bộ GD và ĐT, tất cả học sinh THCS trên cả nước đều phải học môn ngoại ngữ, cho nên ở bậc tiểu học, các trường phải hướng các em học ngoại ngữ để khi học lên bậc THCS mới theo kịp chương trình. Vì vậy Bộ GD và ĐT cần chỉnh lý, biên soạn giáo trình tiếng DTTS Ba Na, Gia Rai một cách ngắn gọn, phù hợp hơn với cách nói, cách viết, cách dùng từ của người dân địa phương, đồng thời sớm hoàn thành biên soạn sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc Xê Đăng đưa vào giảng dạy để học sinh người DTTS có thể vừa lựa chọn học tiếng dân tộc mình vừa học ngoại ngữ theo chương trình chung.
(nhandan.com.vn)