Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sóc Trăng cần phát triển mạnh giáo dục vùng dân tộc thiểu số

07:31 PM 14/05/2019 |   Lượt xem: 4726 |   In bài viết | 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Tỉnh ủy Sóc Trăng. Theo Phó Thủ tướng, năm năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, nhiều mô hình mới, cách làm hay trong cộng đồng ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Sóc Trăng đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát của các cấp ủy đảng, chính quyền trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia của đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh; mạnh dạn đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống các quan điểm sai trái tác động, ảnh hưởng đến xây dựng văn hóa, làm suy giảm, tha hóa đạo đức, ảnh hưởng đến con cháu mai sau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho Sóc Trăng phát triển, nâng văn hóa lên tầm cao mới, nhất là về các chế độ chính sách cho người làm công tác văn hóa, bảo tồn văn hóa, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có chuyên môn, chất lượng cao.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh nỗ lực phấn đấu để nâng cao dân trí, mặt bằng giáo dục, nhất là cải thiện chất lượng giáo dục trong các trường lớp ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, con em học sinh là người dân tộc Khmer để các em có điều kiện đến trường học hành tốt hơn.
 

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo của Tỉnh ủy Sóc Trăng cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được nhiều thành tựu, tạo được sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa tiếp tục được mở rộng. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được phát huy, bảo tồn, tôn tạo. Các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực…

Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 273 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa. Có tám cá nhân đã được Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, bảy cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đến cuối năm 2018 toàn tỉnh Sóc Trăng có 88,74% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 93,16% ấp, khóm đạt danh hiệu ấp, khóm văn hóa; chín xã được công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; sáu phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh có 109/109 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, có quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao. Trong giai đoạn 2014-2018 có bảy dự án phát triển du lịch được các công ty, doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đầu tư 760,7 tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mà theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu, vấn đề này cần sớm tháo gỡ để góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Sóc Trăng phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

(dantocmiennui.vn)