An Phúc là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đông Hải, cơ sở hạ tầng khó khăn. Nhiều nơi, học sinh phải đến trường bằng đò hoặc đi bộ hàng chục cây số qua những con đường đất mưa lầy, nắng bụi. Ở vùng xa của tỉnh, trường Tiểu học Trần Kim Túc (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) còn hai điểm lẻ tại ấp Chủ Chọt, ấp Thống Nhất. Năm học này, trường có 13 lớp, với 357 học sinh, trong đó, điểm lẻ Chủ Chọt có 45 học sinh và điểm lẻ Thống Nhất có hơn 150 học sinh. Địa bàn rộng, các điểm lẻ cách xa điểm trung tâm, học sinh phân tán... nên khá vất vả trong huy động học sinh đến trường.
Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) năm học này có 17 lớp, với 670 học sinh, trong đó có gần 90 em là con hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc. Trường duy trì một điểm lẻ tại ấp Minh Thìn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh xa trung tâm yên tâm bám lớp. Tuy nhiên đến thời điểm này còn khoảng 20 học sinh chưa ra lớp vì theo gia đình đi làm ăn xa hoặc hoàn cảnh quá khó khăn nên “ngại” đến trường.
Quyết tâm vận động học sinh ra lớp đạt chỉ tiêu, các trường phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh ra lớp. Trường THCS Lương Thế Vinh miễn, giảm học phí, cho mượn sách giáo khoa, hỗ trợ đồ dùng học tập; tranh thủ các nguồn tài trợ để tặng học bổng, phương tiện đến trường cho học sinh nghèo... Trường còn lập quỹ “Giúp bạn vượt khó” để hỗ trợ học sinh nghèo.
Chia sẻ với ngành giáo dục, Hội Khuyến học tỉnh đã khởi động chương trình tiếp sức đến trường để tranh thủ các nguồn tài trợ. Bà Nguyễn Thị Quế Phượng - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, Hội đã vận động được hơn 680 triệu đồng tiền mặt từ các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân...
Theo: Cao Thăng (baotintuc.vn)