Tăng cường tích hợp các chính sách để tập chung cho công tác giảm nghèo
03:29 PM 02/11/2018 | Lượt xem: 5283 In bài viết |Giảm nghèo bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm, tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn, “ không ai bị bỏ lại phía sau”, vùng núi tiến kịp vùng xuôi.
Trong nhiều năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Quyết định và các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Giai đoạn 2016 – 2018, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo và thu được những kết quả tích cực. Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn cho 103 ngàn người; dạy nghề cho 720 ngàn người DTTS, góp phần giúp đồng bào tìm kiếm việc làm. Ngân hàng CSXH đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ), bình quân dư nợ mỗi hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135.
Giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn cần sự tích hợp của nhiều chính sách dân tộc. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Nhà nước đã có nhiều chính sách giảm nghèo đa dạng tác động đến nhiều mặt trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng các chính sách dường như vẫn còn hạn chế, hướng tới sự trợ cấp nhiều hơn là sự hỗ trợ để đồng bào tự vươn lên, không gắn với trách nhiệm của người được thụ hưởng. Khi thoát khỏi diện nghèo thì các hộ mới thoát nghèo chưa định hướng được hướng sản xuất bền vững, năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, họ đang được hưởng chính sách trợ cấp, bây giờ lại không được hưởng nữa, còn thiếu hụt các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Do đó, nhiều hộ gia đình mới thoát nghèo chỉ gặp biến cố nhỏ (ốm đau đột xuất, bị thiên tai, bão lũ, mất mùa …) lại tiếp tục rơi vào diện tái nghèo, quay trở lại với nghèo đói.
Nhận thức sâu sắc những thách thức trong công tác giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trả lời phỏng vấn Phóng viên Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi về những giải pháp nhằm giải nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS và MN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trước hết là giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm do nhân dân sản xuất ra; Tiếp tục giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững; Tiếp tục đầu tư vốn để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, đưa hộ dân tộc thiểu số ra khỏi vùng nguy hiểm, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra; Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khắc phục tính tự ti, thụ động, trông chờ… vượt qua khó khăn trở ngại về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nỗ lực phấn đấu vươn lên; Tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách thiết thực, theo hướng tích hợp, thu gọn đầu mối quản lý, hỗ trợ có điều kiện, giảm cho không, tăng cho vay để đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện và ý chí vươn lên giảm nghèo bền vững.
Để mục tiêu giảm nghèo được bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh việc đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, tăng cường hợp tác quốc tế thì ý chí chủ động thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được khơi dậy. Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng đồng bào dân tộc để giảm nghèo bền vững bằng “cần câu” chứ không phải “con cá”. Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn chính đồng bào phải chủ động lao động, cùng nhau sản xuất có hiệu quả kinh tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương phù hợp cho việc thực hiện giảm nghèo bền vững.
Trong phiên họp thứ 26, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, một trong những chính sách quan trọng để giảm nghèo bền vững cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số chính là phải kết nối được thị trường, tạo sự cung – cầu hài hòa. Tuy nhiên, để các chính sách thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng đề xuất: Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, cần nhất phải có được tích hợp tất cả các chính sách lại để thành 1 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Cần có sự tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo và có mục tiêu cụ thể, có hệ thống tiêu chí đánh giá để sau 3 năm, 5 năm, 10 năm đánh giá lại sẽ có kết quả rõ hơn.
Với những giải pháp cụ thể từ phía Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ, công tác xóa đói giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hứa hẹn sẽ được thúc đẩy nhanh và hiệu quả hơn.
Ngọc Hà