Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - không để ai bị bỏ lại phía sau
02:38 PM 26/04/2017 | Lượt xem: 4210 In bài viết |Sáng ngày 26/4, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và bà Louise Chamberlain - Giám đốc UNDP đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng cục Thống kê cùng Ban Dân tộc các tỉnh 3 khu vực và đại diện của UNDP, Đại sứ quán Ai len.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Ai Len (Irish Aid), Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nghiên cứu phân tích đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS sử dụng số liệu điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015. Qua phân tích đánh giá, nhận thấy có 2 vấn đề nổi bất của các DTTS là giáo dục (mù chữ ở nữ giới, nhập học đúng tuổi) và tử vong ở trẻ em. Cùng với đó là những phát hiện chính của UNDP trong Báo cáo phát triển con người 2016 là hướng tới những đối tượng đang bị gạt ra ngoài lề và hành động nhằm xóa bỏ các rào cản này, đảm bảo phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Thông qua các báo cáo trên và một số tham luận liên quan trình bày tại Hội thảo sẽ là tiền đề giúp cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các chuyên gia nghiên cứu, các cán bộ hoạch định chính sách có định hướng xây dựng các chính sách phù hợp với nhóm DTTS trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm - Lê Sơn Hải nhận định: Thực trạng nghèo đói kinh niên còn tồn tại khá phổ biến trong các nhóm DTTS khu vực miền núi phía Bắc; có sự chênh lệch đáng kể về mức sống giữa các hộ dân tộc Kinh và hộ dân tộc thiểu số sống trong cùng địa bàn; các hộ gia đình DTTS vẫn còn gặp phải nhiều bất lợi và rào cản trong việc tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho sản xuất như giáo dục, vốn, thị trường và đất nông nghiệp. Đây là những thách thức lớn đối với việc nâng cao đời sống và khả năng tiếp cận đến các cơ hội phát triển kinh tế và giảm nghèo của các hộ gia đình DTTS.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: UBDT rất mong có sự đồng thuận cao của các cấp, ngành của toàn xã hội, sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và trong thời gian tới để xây dựng những nội dung, giải pháp phát triển DTTS nhằm triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, tạo nền tảng vững chắc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng mong rằng, Hội thảo sẽ là dịp để kêu gọi các tổ chức tham gia đóng góp kinh nghiệm, nguồn lực để UBDT xây dựng, hoạch định những chính sách mang lại hiệu quả tốt nhất nhằm “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam gửi lời cám ơn chân thành tới UBDT đã đồng tổ chức chương trình Hội thảo này. Bà hy vọng đây sẽ là cơ hội lớn để giải quyết vấn đề bất bình đẳng hiện hữu đang là cản trở đối với tiến trình phát triển của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là các chương trình, chính sách liệu đã đủ hay chưa, cần làm gì để giúp các nhóm người bị bỏ lại phía sau theo được đà phát triển chung.
Bà cũng nhấn mạnh 3 điểm quan trọng cần giải quyết: Để các chính sách thực hiện hiệu quả thì phải có hướng tiếp cận với các báo cáo đưa ra, nhất là đối với các nhà hoạch định chính sách và công chúng; phân tích chuyên sâu một số dữ liệu cần triển khai như yếu tố bất bình đẳng, nạn tảo hôn cũng như tỉ lệ giáo dục, cơ hội việc làm, kế hoạch hóa gia đình… để thấy được sự tụt hậu của đồng bào dân tộc, nhất là phụ nữ và trẻ em và có hướng giải quyết; nâng cao hiểu biết về việc bị bỏ lại phía sau là do tự phát hay định kiến để có những thông tin và hướng giải quyết.
Bà cũng khẳng định một lần nữa: UNDP và các đối tác phát triển luôn luôn sẵn sàng phối hợp trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu mới về vùng đồng bào DTTS cũng như hỗ trợ nhằm góp phần giúp Việt Nam đạt chỉ tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hội thảo đã được nghe công bố “Báo cáo phát triển con người toàn cầu của Liên hợp quốc 2016” (của UNDP Việt nam) với các biện pháp chăm lo cho những đối tượng bị bỏ lại phía sau – các lựa chọn chính sách quốc gia; “Báo cáo tổng quan về thực trạng kinh tế - xã hội DTTS” từ kết quả phân tích số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội DTTS năm 2015 (của UBDT); Vấn đề thách thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em DTTS (của Tiểu Dự án PRPP – UBDT). Thông qua các báo cáo được trình bày tại Hội thảo là các ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm có hướng xây dựng chính sách hợp lý nhất.
Kim Thu