Trích - Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
03:29 PM 31/10/2015 | Lượt xem: 11327 In bài viết |Trích - Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
IV. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CỦA KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961 - 1965)
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nghiệp xây dựng kinh tế miền núi có một tầm quan trọng rất lớn. Miền núi nước ta rộng gấp mấy lần diện tích miền xuôi, lại có tài nguyên tự nhiên phong phú, cho nên nền kinh tế mà chúng ta xây dựng ở miền núi sẽ giúp nâng cao không ngừng mức sống vật chất và văn hóa của đồng bào miền núi, đồng thời sẽ bổ sung cho kinh tế miền núi, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế miền xuôi, góp phần rất quan trọng vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Xây dựng miền núi chủ yếu và trước hết là một vấn đề kinh tế nhằm sử dụng những khả năng dồi dào của miền núi vào việc tăng cường sức mạnh kinh tế của cả miền Bắc nước ta và nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Vấn đề xây dựng kinh tế miền Bắc miền núi là một bộ phận khăng khít của chính sách dân tộc của Đảng ta trong giai đoạn mới của cách mạng. Nó bảo đảm cho miền núi dần dần tiến kịp miền xuôi, cho các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc Kinh, thực hiện đầy đủ sự bình đẳng và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Nó phù hợp với lợi ích thiết thân của các dân tộc miền núi, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích thiết thân của toàn thể nhân dân lao động miền Bắc.
Trên cơ sở hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền núi kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ ở những nơi cần thiết, cần phát triển mạnh mẽ nông nghiệp miền núi, đẩy mạnh sản xuất lương thực, phát triển chăn nuôi gia súc theo quy mô lớn, mở những nông trường quốc doanh chuyên trồng cây công nghiệp và cây ăn quả, đồng thời khuyến khích các hợp tác xã chăn nuôi, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Ra sức phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, khai thác lâm thổ sản, xây dựng các lâm trường quốc doanh. Cần mở rộng những khu công nghiệp hiện có, chuẩn bị điều kiện để xây dựng thêm những khu công nghiệp mới, khuyến khích các nông trường quốc doanh và lâm trường quốc doanh xây dựng công nghiệp địa phương, nhất là các loại công nghiệp chế biến những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp..v.v.
Để thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp ở miền núi phát triển, cần đặc biệt coi trọng việc phát triển giao thông vận tải và đẩy mạnh công tác thương nghiệp. Về giao thông vận tải, không những phải chú ý xây dựng nhiều đường thuỷ bộ lớn để phục vụ nhu cầu vận chuyển của các khu công nghiệp, các nông trường và lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã lớn, mà còn phải coi trọng việc phát triển những đường giao thông nhỏ. Về thương nghiệp, một mặt phải bảo đảm cung cấp những hàng hóa cần thiết mà số lượng sẽ ngày càng tăng lên theo đà phát triển của kinh tế miền núi, mặt khác lại phải bảo đảm tiêu thụ sản phẩm của địa phương, làm cho sinh hoạt kinh tế của miền núi dần dần trở nên phồn vinh, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong quá trình phát triển kinh tế miền núi, chúng ta phải lưu ý đúng mức đến sự khác nhau giữa vùng thấp và vùng cao, để có kế hoạch và biện pháp thích hợp với từng vùng. Ở vùng thấp, có thể phát triển nông nghiệp và công nghiệp theo phương hướng đã vạch trên đây. Nhưng ở các vùng cao thì phải có kế hoạch giúp đỡ phát triển những ngành thích hợp như chăn nuôi, khai thác lâm thổ sản v.v... đồng thời, phải thực hiện định cư và định canh, thực hiện từng bước và ở những nơi cần thiết việc di cư xuống vùng thấp, giúp đỡ đồng bào phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp, đi vào con đường làm ăn có tổ chức, dần dần tạo những điều kiện thuận lợi cho đồng bào vùng cao tiến kịp đồng bào các vùng thấp.
Việc phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền núi đòi hỏi phải giải quyết tốt vấn đề tăng thêm nhân lực cho miền núi. Đây là một công tác vận động và tổ chức rất lớn của Đảng ta và Chính phủ ta trong thời gian tới. Chúng ta phải có kế hoạch phối hợp lực lượng của Nhà nước với lực lượng của các hợp tác xã để chuyển một phần nhân lực ở nông thôn miền đồng bằng lên khai thác miền trung du và miền núi. Trên cơ sở cổ vũ nhiệt tình yêu nước, chúng ta phải tổ chức cho hàng chục vạn người miền xuôi lên miền núi để đi vào công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp, các nông trường quốc doanh và lâm trường quốc doanh, cống hiến sức lực và tài năng của mình cho sự nghiệp phồn vinh Tổ quốc. Hoàn thành thắng lợi công tác đó thì việc phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền núi sẽ được bảo đảm chắc chắn.
Kết hợp với việc đưa người miền xuôi lên miền núi và việc phát triển các khu công nghiệp ở miền núi, chúng ta sẽ dần dần xây dựng những thành phố mới của miền núi, biến những thành phố đó thành những trung tâm kinh tế và văn hóa, có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy đời sống của các dân tộc thiểu số ngày càng đổi mới.
V. TĂNG CƯỜNG NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ NHÂN DÂN, CỦNG CỐ SỰ NHẤT TRÍ VỀ CHÍNH TRỊ VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN MIỀN BẮC
Ở miền Bắc nước ta có nhiều dân tộc thiểu số. Trong quá trình lịch sử mấy nghìn năm, các dân tộc thiểu số đã cùng người Kinh đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ba mươi năm nay, nhất là trong thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ hai và trong chín năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, các dân tộc thiểu số sát cánh cùng người Kinh đã anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc để giải phóng đất nước và hiện nay đang ra sức phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Các dân tộc thiểu số rõ ràng là đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Cách mạng đã đưa lại nhiều biến đổi lớn trong đời sống của các dân tộc đó: chính quyền nhân dân đã được thành lập ở miền núi, những đặc quyền, đặc lợi phong kiến căn bản đã bị xóa bỏ, tuyệt đại bộ phận rừng đất đã về tay nông dân lao động, đời sống của các dân tộc thiểu số đã bước đầu được cải thiện. Vì sự phát triển không đều trong lịch sử nên giữa miền xuôi và miền núi, giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số còn tồn tại những sự chênh lệch về trình độ kinh tế và văn hoá. Riêng ở miền núi, giữa vùng thấp và vùng cao, mức tiến bộ và trình độ sinh hoạt cũng có sự chênh lệch. Muốn củng cố sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân ta, cần dần dần xoá bỏ tình trạng đó, thực hiện bình đẳng hoàn toàn giữa các dân tộc. Đảng và Nhà nước dân chủ nhân dân cần phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao và vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc Kinh, giúp các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và năng lực to lớn của mình, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cần có kế hoạch toàn diện và lâu dài phát triển kinh tế và văn hoá miền núi. Về mặt kinh tế, cần đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp, phát triển giao thông vận tải, tăng cường công tác thương nghiệp xã hội chủ nghĩa v.v... làm cho đời sống của đồng bào miền núi ngày càng được cải thiện. Về mặt văn hoá, cần tiếp tục xoá bỏ nạn mù chữ, xây dựng chữ dân tộc ở những nơi cần thiết, thực hiện giáo dục phổ cập, phát triển văn nghệ dân tộc, phổ biến rộng rãi khoa học thưởng thức, nhằm xoá bỏ dần mê tín dị đoan; chú trọng công tác y tế, phát triển phong trào vệ sinh phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ của đồng bào thiểu số. Cần ra sức khắc phục những biểu hiện của tư tưởng dân tộc lớn và của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, nâng cao không ngừng tinh thần thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trong công tác miền núi, cần rất coi trọng công tác vùng cao và vùng biên giới.
Cần đặc biệt chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc, đồng thời tăng cường đoàn kết giữa các cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ người Kinh công tác ở miền núi. Đó là điều kiện mấu chốt để thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng.