Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025
03:24 PM 28/02/2019 | Lượt xem: 3279 In bài viết |Ngày 28/02/2019, tại trụ sở, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện đề cương Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương, các vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Thời gian qua, UBDT được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội Khóa XIV vào kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2019). Đề án được xây dựng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS); đẩy mạnh giảm nghèo; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng phát triển giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của các DTTS; phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.
Ông Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đa số đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Đề cương Đề án. Một số đại biểu đề nghị Đề án cần tập trung cao vào mục tiêu, đánh giá khái quát những mặt tích cực, những kinh nghiệm trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Cần có đánh giá cụ thể thực trạng chính sách và công tác quản lý hệ thống chính sách; mức độ tác động của Đề án đối với các chính sách khác. Đề án cần làm rõ vai trò của UBDT trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương (từ tỉnh đến huyện, xã). Tính toán để cơ cấu nguồn lực đầu tư, đảm bảo tính khả thi. Tập chung tích hợp chính sách, giảm đầu mối để việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự và cho biết: UBDT sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu đồng thời kết hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện Đề cương đảm bảo tiến độ, đạt hiệu quả cao.