Hội thảo tham vấn nội dung dự thảo Báo cáo hạng mục đầu tư vùng trồng dược liệu quý
11:08 AM 26/11/2020 | Lượt xem: 3102 In bài viết |Sáng 26/11/2020, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông chủ trì Hội thảo kỹ thuật tham vấn nội dung dự thảo Báo cáo hạng mục đầu tư vùng trồng dược liệu quý, thuộc tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Tham dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ban, ngành, lãnh đạo một số vụ, đơn vị của UBDT.
Theo dự thảo, mục tiêu của Dự án đến năm 2025 là bước đầu hình thành hệ thống “chuỗi giá trị” phát triển dược liệu quý vùng DTTS&MN, góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS trong khu vực triển khai dự án gấp 02 lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án; Tăng thu nhập ngân sách của các huyện nghèo triển khai mô hình thí điểm, góp phần giảm tỷ lệ nghèo các huyện này xuống khoảng 2- 3%/năm; Hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo “chuỗi giá trị”, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gien dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.
Đối tượng thụ hưởng của Dự án là: Cá nhân, hộ gia đình người DTTS, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển dược liệu quý; Thôn, bản, xã, huyện, tỉnh nơi triển khai dự án; Doanh nghiệp triển khai dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý hoặc Trung tâm giống có cam kết sử dụng tối thiểu 70% lao động là người DTTS tại chỗ (phấn đấu có ít nhất 50% lao động là nữ) và có đăng ký hoạt động, nộp thuế ở địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN, cam kết hỗ trợ thu mua và tiêu thụ dược liệu sản xuất trong vùng.
Ông Hà Việt Quân - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thay mặt Tổ Soạn thảo trình bầy khái quát về Dự án
Dự kiến, Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thí điểm 17 dự án phát triển Vùng trồng dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng và phát triển 04 dự án Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển ít nhất 85 hợp tác xã vệ tinh của tối thiểu 16 dự án phát triển Vùng trồng dược liệu quý.
Tổng nguồn vốn để triển khai cho Dự án giai đoạn 2021-2025 khoảng 4.825 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 1.250 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 175 tỷ đồng; Vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội 2.000 tỷ đồng; Vốn huy động khác 1.400 tỷ đồng.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, các đại biểu đồng thuận và đánh giá cao đề xuất của Dự án. Dự án tiếp cận một cách tổng thể theo chuỗi giá trị, các đối tượng tham gia từ người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước, mục tiêu chủ yếu là góp phần tăng sinh kế cho đồng bào DTTS... Các đại biểu đã có nhiều ý kiến để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo Dự án như: Dự án phải đáp ứng nhiều mục tiêu (ngắn hạn, dài hạn) như che phủ rừng, y tế, kinh tế, yếu tố khai thác bền vững...; phát triển dược liệu dưới tán lá rừng; phân tích yếu tố quan trọng của chuỗi giá trị để tập trung đầu tư; phát triển mô hình gắn kết y dược cổ truyền với dược liệu như: tổ chức hội chợ dược liệu, văn hóa ẩm thực dược liệu; công tác thông tin-truyền thông; huy động các nguồn vốn triển khai, cơ chế tổ chức thực hiện đặc thù, vai trò của các bộ ngành, cam kết của địa phương; chế biến, bảo quản kho lạnh, dự trữ nguồn sản phẩm dài hạn, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm...