Rất cần thiết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi
09:58 AM 22/10/2019 | Lượt xem: 24058 In bài viết |Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (ngày 21/10/2019), Quốc hội đã nghe tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm tra Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Đề án).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình phê duyệt Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt. Nhưng hiện nay, vùng DTTS và miền núi vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng Đề án nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Tờ trình nêu rõ, dự thảo Đề án gồm 6 phần: sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; thực trạng KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; đánh giá tác động của Đề án; tổ chức thực hiện; kết luận và kiến nghị. Đề án thực hiện ở địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, các xã, thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (không bao gồm xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, 11 giải pháp thực hiện Đề án, trong đó có những giải pháp như: Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021-2030 (gồm 8 dự án thành phần). Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Huy động mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng DTTS và miền núi. Tiếp tục ban hành chính sách đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là hỗ trợ đảm bảo ăn, ở của học sinh ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…
“Đề án là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hầu hết các bộ, ngành, địa phương và đồng bào các DTTS đồng tình, ủng hộ. Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án như lý do cơ quan soạn thảo đã nêu và cho rằng, việc Quốc hội phê duyệt Đề án là cụ thể hóa việc thực hiện khoản 5, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”. Tạo bước ngoặt mới, đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Đề án. Ủy ban Dân tộc đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia, các bộ, ngành và địa phương; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án; Chính phủ xem xét, thông qua hồ sơ, nội dung Đề án tại phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2019. Sau phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia và kết luận tại phiên họp. Hồ sơ, tài liệu liên quan Đề án do Chính phủ trình được chuẩn bị đầy đủ, công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.
“Trên cơ sở bản báo cáo này và với tình cảm, trách nhiệm trước hơn 14 triệu đồng bào các DTTS, Hội đồng Dân tộc đề nghị Quốc hội xem xét phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi” tại kỳ họp này. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2020, để thực hiện từ năm 2021”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị.
Từ những phân tích trên thực tế, tờ trình phê duyệt Đề án của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đều đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Đề án là: “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Đồng thời, thống nhất với sự phân kỳ thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030.
Dự thảo Đề án đặt mục tiêu: Đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3-5%. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026; không còn hộ đói; trên 85% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân…
Thanh Huyền (Báo DT&PT)