Tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

08:48 PM 25/09/2019 |   Lượt xem: 24415 |   In bài viết | 

Các đồng chí Lãnh đạo chủ trì Hội thảo

Tham dự hội thảo có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Phan Văn Hùng, Y Thông; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cho đoàn ĐBQH các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện một số tổ chức quốc tế và đại diện lãnh đạo địa phương cùng một số hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay tín dụng chính sách hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã thông tin về một số kết quả các chương trình tín dụng CSXH đối với đồng bào DTTS do NHCSXH thực hiện. Cụ thể, tính đến 31/8/2019, NHCSXH đang có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng các chương trình tín dụng, với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của đơn vị; dư nợ bình quân đạt 34 triệu đồng/hộ DTTS, cao hơn bình quân chung là 30,4 triệu đồng.

Đặc biệt, đối với các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS (theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định 74/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, Quyết định 1592/QĐ-TTg, Quyết định 755/QĐ-TTg và Quyết định 2085/QĐ-TTg) đã có trên 371 nghìn lượt hộ được vay vốn; doanh số cho vay đạt 3.830 tỷ đồng, doanh số thu nợ 1.411 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 2.342 tỷ đồng.

Tín dụng CSXH đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, vốn tín dụng CSXH đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, tự ti, chuyển sang mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả, nhất là ý chí vươn lên không ngừng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2018, vốn tín dụng CSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 8,23% (2016) xuống còn 5,23% cuối năm 2018.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT phát biểu tại Hội thảo

Trao đổi tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng, hoạt động của NHCSXH là một hình thức tín dụng đặc biệt, không coi trọng lợi nhuận mà hướng tới phục vụ đối tượng yếu thế (người nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS và miền núi...). Hoạt động hiệu quả của NHCSXH góp phần thực hiện công bằng xã hội, giàu tính nhân văn và thật sự là công cụ đắc lực để Đảng và Nhà nước chăm lo cho các đối tượng yếu thế. Kết quả cho vay đối với hộ DTTS là những con số biết nói ấn tượng, không phải chỉ là những đồng tiền, bằng con số mà còn là những tấm lòng nhân ái đồng hành với đồng bào trên con đường xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định, nếu không có NHCSXH thì tín dụng đen ở vùng DTTS sẽ diễn biến ngày càng phức tạp. Với thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn, giải ngân tại xã, rất phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào DTTS; hơn nữa cho vay thông qua tổ tiết kiệm vay vốn, tín chấp của các tổ chức chính trị xã hội; chủ tịch UBND xã làm trưởng ban đại diện. Do vậy, có thể nói hoạt động của NHCSXH góp phần tăng cường vai trò hoạt động của các đoàn thể và góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; góp phần củng cố tăng cường niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của NHCSXH, của cán bộ tín dụng trong toàn hệ thống, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, UBDT cam kết đồng hành cùng với NHCSXH báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của NHCSXH; theo chức năng nhiệm vụ, sẽ hướng dẫn cơ quan công tác dân tộc các cấp phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh, các ban đại diện để thực hiện tốt hơn nữa tín dụng CSXH ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng, cơ chế cho hộ gia đình cá nhân vay như hiện nay là rất tốt nhưng để khai thác tiềm năng lợi thế so sánh của vùng DTTS và miền núi, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, đề nghị NHCSXH phối hợp với UBDT đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi sự kinh doanh ở vùng DTTS và miền núi vay tín dụng CSXH với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất phù hợp, đủ sức hấp dẫn để phát huy hiệu quả và xung lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi. Trước mắt, lập đề án xin thực hiện thí điểm nội dung này và cụ thể hóa trong Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi tới đây trình Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, để phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, bất cập, hạn chế của chính sách dân tộc trong thời gian qua, UBDT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 59/NQ-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp ngày 19/8/2019 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc để trình với Quốc hội khóa 14 kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019, với kỳ vọng được Quốc hội phê duyệt chủ trương xây dựng thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.

Quang cảnh Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua, NHNS đã trình Chính phủ dự thảo Đề án tài chính toàn diện. Đây là một đề án tầm vĩ mô để nâng cao chất lượng tín dụng; trong đó tập trung cung cấp các giải pháp không chỉ là nguồn vốn cho vay mà còn có các dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế ở vùng sau, vùng xa, vùng DTTS và miền núi chưa có điều kiện để tiếp cận.

Theo Thống đốc NHNN, để thực hiện được đề án này thì vai trò của các bộ, ngành là rất quan trọng, nhất là vai trò của hệ thống NHCSXH. Vì thế, tới đây NHNN sẽ chỉ đạo NHCSXH cũng như các tổ chức tín dụng khác triển khai đề án hiệu quả để đưa các dịch vụ tài chính ngân hàng đến những địa bàn khó khăn nhất. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng mong muốn, các cấp có thẩm quyền khi thảo luận, xây dựng chính sách cho vùng DTTS và miền núi nói chung, tín dụng CSXH với đồng bào DTTS nói riêng, quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện.

Tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao và ghi nhận công tác chuẩn bị của UBDT và NHCSXH để tổ chức hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: 44 bài báo cáo tham luận được gửi đến hội thảo lần này đã cho thấy hiệu quả tích cực của tín dụng CSXH đối với đồng bào DTTS.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Trong 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, chính sách tín dụng được đánh giá là một điểm sáng. Qua quá trình triển khai chính sách, hàng triệu hộ DTTS đã tiếp cận được vốn vay và thay đổi được cuộc đời.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi chính sách. Vì vậy, để giải quyết triệt để những khó khăn đó, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành chức năng cần tập trung xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của NHCSXH để tạo điều kiện cho NHCSXH triển khai thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác; đặc biệt là phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng chính sách tín dụng, hướng chính sách đến mục tiêu thoát nghèo có tính bền vững tốt hơn để người dân, nhất là đồng bào DTTS có thể vươn lên thoát nghèo. Công bằng xã hội là một thách thức lớn, khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng, nên việc giảm khoảng cách giàu nghèo là một mục tiêu lớn. Vì vậy, NHCSXH cũng cần tiếp cận mạnh hơn tính đa chiều của giảm nghèo bền vững để việc cho vay đến được với từng đối tượng cụ thể với những nhu cầu cụ thể.

Ngoài ra, cần tiếp tục tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng để khắc phục tình trạng tín dụng đen đang diễn ra ở nhiều nơi. Nhất là, trong nhóm chính sách dành cho đồng bào DTTS thì cần phải có riêng một chính sách dành cho nhóm đồng bào DTTS khó khăn nhất để nhóm này có thể đi chung đường với quá trình phát triển. Và cuối cùng, tín dụng đối với đồng bào DTTS cũng cần tiếp tục có sự phân hóa để đáp ứng sự đa dạng của chính sách, không cào bằng mức cho vay đối với các địa bàn, các đối tượng khác nhau.