Bàn giải pháp ổn định dân di cư tự do và quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường
06:25 PM 09/12/2018 | Lượt xem: 10676 In bài viết |Ngày 9/12, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2005-2017, cả nước có 66.738 hộ dân di cư tự do (DCTD), tập trung vào 3 khu vực: Tây Nguyên (55.846 hộ), Tây Bắc (5.811 hộ) và Tây Nam bộ (2.081 hộ). Đến hết năm 2017, có 42.237 hộ (chiếm 63,3%) đã được hỗ trợ bố trí, sắp xếp theo quy hoạch hoặc tự ổn định. Hiện vẫn còn khoảng 24.500 hộ dân DCTD chưa được bố trí, sắp xếp ổn định và tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên (hơn 22.000 hộ).
Tình trạng dân DCTD gây nên những hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Các địa phương có người DCTD đi và đến đều gặp áp lực lớn trong việc bảo vệ tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Không chỉ phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch của các địa phương, tình trạng DCTD còn làm xáo trộn đời sống của người dân sở tại và làm phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp, gây mất an ninh trật tự.
Theo báo cáo của tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2006, tỉnh đã xây dựng 17 dự án sắp xếp ổn định dân DCTD với mục tiêu bố trí ổn định cho khoảng 6.527 hộ, tương ứng hơn 32.600 khẩu với tổng mức đầu tư là 885 tỷ đồng. Đến nay, thời gian thực hiện các dự án đã trên 10 năm, nhưng tỉnh chỉ mới đang triển khai 13/17 dự án và chưa có dự án nào hoàn thành mục tiêu. Tỉnh kiến nghị tiếp tục được bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án. Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng giải quyết nhưng tỉnh vẫn còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu đất ở và đất sản xuất, nhiều hộ dân DCTD chưa ổn định nơi ở, sản xuất... Đây được xem là vấn đề chiến lược đối với địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao (gần 33% dân số) và dân DCTD lớn nhất cả nước (hơn 290.000 người kể từ năm 1976 đến nay) như Đắk Lắk.
Về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết đã tiến hành rà soát 122 công ty nông, lâm nghiệp. Sau khi sắp xếp, có 108 công ty được giữ lại (tổng diện tích quản lý 935.120ha) và 14 công ty giải thể, bàn giao về cho địa phương (diện tích 144.624ha). Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường tại Tây Nguyên còn kém hiệu quả. Điều này làm phát sinh những nguy cơ như: tranh chấp, lấn chiếm đất đai; rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá và tiếp diễn tình trạng DCTD…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Nguyên nhân chủ yếu để bà con di cư là ở nơi cũ thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn; người đi trước mách người đi sau, đi theo cộng đồng, dòng họ, với mong muốn tìm được nơi có cuộc sống tốt hơn. Hầu hết khi di cư họ đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn, do vậy khó có thể quay trở lại nơi ở cũ. Để sắp xếp cho bà con có chỗ ở tạo sinh kế, ổn định đời sống là một thách thức lớn. Bởi lẽ, chúng ta còn thiếu nguồn lực, thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước và các hạ tầng xã hội kèm theo. Nhưng đây là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần phải có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc làm đến đâu chắc đến đó, không nóng vội; giải quyết vấn đề di cư không được để nẩy sinh vấn đề khác về dân tộc, tôn giáo phức tạp hơn.
Tán thành với giải pháp của Bộ NN&PTNT đề xuất, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo các tỉnh tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động, giải quyết khó khăn về đời sống để đồng bào yên tâm không có ý định di cư; các tỉnh rà soát lại các dự án tái định cư, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp vào những điểm tái định cư xen ghép, tạo sinh kế, phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống cho cả bà con di cư và tại chỗ theo dạng xen cư, không nên xây dựng điểm tái định cư riêng bà con di cư; chỉ đạo các địa phương điều tra, thống kê, lập danh sách số hộ, số khẩu trên địa bàn từng xã, áp dụng thủ tục đơn giản, đăng ký hộ khẩu cho bà con; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tổ chức các trường bán trú dạy dỗ con em đồng bào; nghiên cứu xây dựng nhà kiên cố ở cộng đồng vừa làm nơi sinh hoạt chung, vừa là nơi lánh nạn cho người dân khi gặp mưa lũ…
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, di cư là vấn đề không chỉ có ở Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng DCTD ở nước ta thời gia qua còn nhiều phức tạp và tiềm ẩn nhiều hệ lụy nên Đảng và Nhà nước không khuyến khích đồng bào DCTD. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài là phải giữ chân và ổn định dân cư tại địa phương. Để làm được việc này, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, các địa phương cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng công tác đào tạo nghề để tạo sinh kế cho người dân. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực để thực hiện xong các dự án ổn định dân DCTD để người dân di cư giai đoạn trước có nơi ở, đất đai canh tác ổn định và được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Mục tiêu của Chính phủ là hoàn thành các dự án ổn định dân DCTD trước năm 2020 và giải quyết dứt điểm tình trạng DCTD trước năm 2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giải quyết dứt điểm tình hình thiếu đất sản xuất, kiểm soát tình hình dân DCTD; giảm thiểu và triệt tiêu tình hình tranh chấp đất, lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất và ổn định tình hình trật tự an ninh-xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định của pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
PV