Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến kiểm tra, giám sát hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai

11:07 PM 02/12/2018 |   Lượt xem: 3245 |   In bài viết | 

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tại tỉnh Gia Lai

Tại Kon Tum, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã nghe đồng chí Lê Danh Thứ, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh báo cáo kết quả hoạt động năm 2017-2018 của đơn vị. Tỉnh Kon Tum có 128.904 hộ dân, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 66.932 hộ (chiếm 52%). Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 26.164 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS là 24.236 hộ, chiếm 92,63% tổng số hộ nghèo.

Các chương trình tín dụng chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Trong 2 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 45.930 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để phát triển sản xuất; duy trì và tạo việc làm cho 2.581 lao động; giúp 265 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa và cải tạo 19.490 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 859 căn nhà cho người nghèo ổn định cuộc sống.

Tại Gia Lai, lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh cũng báo cáo với Đoàn công tác sơ bộ về công tác tín dụng trên địa bàn. Tỉnh Gia Lai có 1,417 triệu người, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 44,7%. Hộ nghèo toàn tỉnh có hơn 45 nghìn hộ, trong đó hộ nghèo DTTS 39.217 hộ, chiếm 86,5%. Tổng dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt 1.977.896 triệu đồng, chiếm 47,66% tổng dư nợ toàn chi nhánh.

Vốn vay không những giúp người DTTS làm quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.

Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng CSXH hai tỉnh đề nghị xem xét bố trí nguồn vốn kịp thời để triển khai cho vay các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kiến nghị cần xem xét có cơ chế đặc thù để xóa nợ đối với các khoản nợ mà hộ đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa sản xuất, kinh doanh thua lỗ không có điều kiện trả nợ. Tăng định mức vốn vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở lên từ 50-80 triệu đồng/hộ. Xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định cho phù hợp với quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đánh giá cao và biểu dương hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm lo cho đồng bào DTTS, gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cũng như ưu tiên dành nhiều nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc. Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị lãnh đạo địa phương tập trung rà soát 4 lĩnh vực: đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Kết quả rà soát sẽ là cơ sở để UBDT tham mưu cho Chính phủ có những chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã tiếp thu các ý kiến của chính quyền địa phương để có những tổng hợp, đề xuất với các ngành chức năng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng bổ sung vào chương trình chính sách tín dụng ưu đãi nhằm giúp các hộ dân vùng đồng bào dân tộc có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, tập trung nguồn lực cho vùng dân tộc, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS.

Lê Phương