Đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025 các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ
09:30 AM 08/11/2019 | Lượt xem: 4816 In bài viết |Từ ngày 08-09/11/2019, tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo Đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, đề xuất khung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông và ông Nông Thanh Tùng, tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước; Lãnh đạo một số vụ, đơn vị của UBDT; Lãnh đạo Ban Dân tộc, UBND 22 huyện và các Phòng Dân tộc, đại biểu Người có uy tín đại diện cho 08 tỉnh trong khu vực.
Có thể nói, khu vực Đông Bắc bộ là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn, có địa hình chia cắt, hiểm trở, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, cơ sở hạ tầng còn thiếu, điều kiện sản xuất kém phát triển, trình độ dân trí thấp… Tại Hội thảo này, UBDT tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 của 8 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Giai đoạn 2016-2020, khu vực này, Chương trình 135 thực hiện trên địa bàn 683 xã (chiếm 32% so với cả nước), trong đó có 465 xã đặc biệt khó khăn; 102/374 xã biên giới; 116/187 xã an toàn khu và 889 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 22,4% so với cả nước). Trong đó, ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ 663 xã và 846 thôn, ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ 20 xã và 43 thôn.
Quang cảnh Hội thảo.
Nguồn lực thực hiện Chương trình cho các tỉnh trong khu vực là 7.360,305 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương là 5.440,641 tỷ đồng (bằng 28,3% số vốn của cả Chương trình); ngân sách địa phương là 1.919,664 tỷ đồng (riêng tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư, hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn là 1.308,790 tỷ đồng); vốn đầu tư phát triển là 1.281,015 tỷ đồng (chiếm 42,8% tổng số vốn ngân sách địa phương của cả nước); vốn sự nghiệp là 638,649 tỷ đồng.
Trong 4 năm triển khai, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, sự phối hợp nhịp nhàng trong xây dựng, đồng bộ các cơ chế, chính sách của các bộ, ngành, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, quản lý điều hành Chương trình 135, xây dựng và ban hành các chính sách đặc thù nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn nhất. Qua đó, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng như các công trình giao thông, y tế, giáo dục… đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với việc triển khai nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động không nhỏ đến quá trình thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh: Từ công tác kiểm tra, đánh giá, có thể thấy một số địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu, cơ chế, nguyên tắc của Chương trình như công tác phân cấp, trao quyền; huy động và lồng ghép các nguồn lực; vận động người dân tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của Chương trình trong một số công tác như: lập kết hoạch có sự tham gia, đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế đặc thù, hỗ trợ phát triển sinh kế theo cơ chế dự án, thu hồi một phần vốn hỗ trợ và quay vòng trong cộng đồng, cơ chế tạo việc làm công…
Hội thảo là dịp để đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về những kết quả đạt được và sự đồng bộ trong triển khai các hoạt động của Chương trình 135; chia sẻ các cách làm hay, những mô hình phù hợp, hiệu quả; chỉ ra được những vướng mắc, tồn tại, những bất cập về cơ chế, nguyên tắc trong quá trình áp dụng thực tiễn tại cơ sở; những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện để triển khai Chương trình theo hướng đơn giản, dễ làm, phát huy vai trò của cộng đồng, tăng cường phân cấp đi đôi với trao quyền nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá các mục tiêu, nguyên tắc, cơ chế thực hiện, một số mô hình đặc thù của địa phương đã tổ chức, triển khai trong những năm vừa qua và thảo luận kỹ các nội dung đề xuất để triển khai cho giai đoạn tiếp theo, cũng như khung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Nông Thanh Tùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nông Thanh Tùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng nêu rõ: Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mực phân bổ vốn trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương của tỉnh thực hiện Chương trình 135 để làm căn cứ giao vốn đầu tư hàng năm cho các huyện, xã và các cơ quan liên quan thực hiện. Tỉnh đã thành lập các Ban Chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Từ nguồn đầu tư của giai đoạn 2016-2020, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu tiếp tục được xây dựng, góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện đi lại, sinh sống , chăm sóc, sức khỏe và học tập của con em đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Từ đó, đã góp phần hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh. Đồng bào các DTTS ngày càng hứng khởi, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được tăng cường, củng cố. Qua hội thảo, rất mong nhận được sự chia sẻ về các giải pháp hay, bài học kinh nghiệm và cùng để xuất được nhiều giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bầy nhiều báo cáo tham luận, phân tích và chia sẻ các kinh nghiệm thực tế triển khai tại địa phương trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 và tham gia góp ý và dự thảo khung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.