Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc làm việc với tỉnh Đắk Nông

09:09 PM 16/08/2022 |   Lượt xem: 2197 |   In bài viết | 

Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia Đoàn công tác có đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE); đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của UBND.

Về phía tỉnh Đắk Nông, đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Đắk Nông là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, nước bạn Campuchia, với 141 km đường biên, 2 cửa khẩu. Đắk Nông có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên với nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, đặc biệt là bô xít; tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió; cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc tạo ra sức hút về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái kết hợp với việc duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.

Diện tích đất nông nghiệp lớn (366.000 ha), chủ yếu đất đỏ Bazan (chiếm hơn 80%) và nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hòa thuận lợi để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Với tiềm năng, lợi thế như trên, Đắk Nông đã và đang nỗ lực trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư; định hướng trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên.

Thông tin về nguồn vốn ODA và FDI, Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của UBDT Hoàng Văn Xô cho biết: Vụ có vai trò thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác dân tộc, huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.

Triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc đang hợp tác chặt chẽ với ADB tại Việt Nam và một số các đối tác quốc tế khác nhằm huy động, vận động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.

Để có thể phát triển đồng bộ và bền vững vùng DTTS và miền núi, cần phải huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn nhà nước và vốn vốn ODA chỉ là nguồn vốn mồi tạo cú hích khơi dậy tiềm năng của địa phương để thu hút các nguồn vốn FDI từ các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Ngày 20/1/2022, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc, đại diện Lãnh đạo Ủy ban đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và VAFIE, với sự chứng kiến của đại diện UBND tỉnh Đắk Nông và một số doanh nghiệp trong và ngoài nước. Biên bản ghi nhớ này khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa UBDT và VAFIE nhằm huy động vốn ODA và FDI để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi . Hy vọng, sau buổi làm việc này các nhà đầu tư và UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tìm được tiếng nói chung, sớm hình thành, triển khai các dự án trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới hỗ trợ phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, vùng DTTS và miền núi của tỉnh Đắk Nông sẽ được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười báo cáo những thế mạnh của UBND tỉnh Đắk Nông cũng như một số khó khăn còn tồn tại

Báo cáo với Đoàn công tác tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười thông tin, Đắk Nông có 40 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 31,37% dân số toàn tỉnh. Đến hết năm 2021 hộ nghèo DTTS tỉnh Đắk Nông là 27,98% tổng số hộ DTTS; toàn tỉnh có 12 xã thuộc khu vực III, 143 thôn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, Đắk Nông xác định việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ lâu dài và liên tục, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng DTTS so với bình quân chung của cả tỉnh.

Các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, có trọng điểm; sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều tiến bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hàng hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng DTTS được nâng lên; tập tục lạc hậu dần xóa bỏ; nét đẹp văn hóa truyền thống được phát huy; an ninh quốc phòng được giữ vững; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân… Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã có những ý kiến đóng góp, thảo luận xoay quanh việc xúc tiến tập trung đầu tư vào các thế mạnh của Đắk Nông; hỗ trợ việc làm cho người DTTS…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông cho rằng, Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư như điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc quy mô lớn. Đặc biệt là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, bơ, mắc ca, sầu riêng.

Bên cạnh đó, với hệ thống sông suối có độ dốc lớn, tổng số giờ nắng và chỉ số bức xạ mặt trời cao, tốc độ gió trung bình hàng năm lớn, Đắk Nông có rất nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo. Đắk Nông cũng có nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch bền vững như đặc trung văn hóa, hang động núi lửa, công viên địa chất được UNESCO công nhận…

Tuy nhiên, Đắk Nông là một tỉnh mới, kinh tế, giao thông còn khó khăn, lực lượng lao động mỏng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy được chuỗi sản xuất hàng hóa tiềm năng.

Qua buổi làm việc này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đặt kỳ vọng phía ADB trong thời gian tới sẽ hỗ trợ Đắk Nông trong phát triển hạ tầng xanh thích ứng biến đổi khí hậu; Hiệp hội VAFIE và Investglobal sẽ tích cực hỗ trợ Đắk Nông thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Đắk Nông. Các doanh nghiệp, tập đoàn có mặt hôm nay tích cực đầu tư và triển khai các dự án tại Đắk Nông để hỗ trợ phát triển Đắk Nông thành một tỉnh DTTS nổi bật trong thời gian tới, để đồng bào các DTTS Đắk Nông có đời sống KT-XH tốt hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

(baodantoc.vn)