Hội thảo lấy ý kiến về Đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2025 - 2030
10:32 AM 09/08/2024 | Lượt xem: 1879 In bài viết |Ngày 7/8, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong hệ thống cơ quan công tác Dân tộc giai đoạn 2025-2030. Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Thông; Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện; cùng dự còn có đại diện lãnh đạo Thanh tra Uỷ ban, Vụ công tác dân tộc địa phương (thuộc UBDT) và gần 90 đại biểu, đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, TP. Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL có các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; riêng về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố đặc biệt quan tâm như: chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn TP; chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên là người DTTS...
“Tôi tin tưởng rằng, thông qua buổi hội thảo hôm nay sẽ giúp cho các địa phương, cơ quan, tổ chức có được thông tin hữu ích để nghiên cứu, tham khảo và vận dụng, triển khai hiệu quả các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại cơ quan, địa phương; từ đó thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn; mang lại hiệu quả tích cực, thật sự đi vào cuộc sống của đồng bào trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh.
Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Y Thông thông tin về tình hình công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2024
Thay mặt Ban tổ chức, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đã thông tin tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để các đại biểu có thêm thông tin nhằm trao đổi và góp ý cho Đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong hệ thống cơ quan công tác Dân tộc giai đoạn 2025 - 2030 sát với nhu cầu thực tế tại địa phương.
Theo dự thảo Đề án, trong bối cảnh tình hình mới, việc thực hiện chính sách dân tộc mang tính liên ngành, tính toàn diện, tác động đến nhiều cấp, nhiều ngành trong hệ thống tổ chức nhà nước, hệ thống chính trị - xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc là rất cần thiết; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai.
Mục tiêu của Đề án, đến năm 2030, 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nạu tố cáo (KNTC) và phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong thực hiện chính sách dân tộc. Đến năm 2030, 100% cơ quan quản lý về công tác dân tộc được đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số; hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận góp ý bổ sung cho Đề án và nêu lên những khó khăn khi các Ban Dân tộc không còn phòng thanh tra. Cụ thể các địa phương đang lúng túng khi thực hiện Dự án 10 "Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình". Trong đó, khó thực hiện được Tiểu dự án 3 (Dự án 10) "Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình", hướng tới mục tiêu: Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.”
Với những khó khăn trong thực hiện Tiểu dự án 3 (Dự án 10) nói riêng và công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc nói chung, hầu hết các đại biểu mong muốn tái thành lập lại Phòng Thanh tra thuộc Ban Dân tộc tỉnh, thành phố.
Ngoài 11 ý kiến đóng góp trực tiếp, các đại biểu cũng đã có nhiều chia sẻ, hiến kế cho Ban tổ những cách làm hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương về lĩnh vực công tác dân tộc.
Đại biểu đại diện Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong việc đóng góp ý kiến cho Đề án. Trên cơ sở đó, giúp cho Ban soạn thảo kịp thời bổ sung, hoàn thiện Đề án trình cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.
Thay mặt Ban tổ chức Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cũng đề nghị: đối với đại biểu các tỉnh, thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc; Đồng thời, vận dụng tình hình thực tế của địa phương để có những chính sách đặc thù cho vùng dân tộc, cũng như triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các DTTS. Đối với Ban soạn thảo Đề án cần tiếp thu, ghi nhận đầy đủ ý của các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án trong thời gian sớm nhất.
(baodantoc.vn)