Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII
09:57 AM 07/11/2022 | Lượt xem: 1886 In bài viết |Tối 6/11, tại Quảng trường Bạch Đằng, Tp. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022.
Tham dự chương trình, về phía Trung ương có ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Tạ Quang Đông Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cùng Bộ tư lệnh Quân khu 9, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng...
Các đại biểu Trung ương và địa phương dự khai mạc ngày hội lớn của đồng bào Khmer
Về phía địa phương có: Ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; cùng đại diện lãnh đạo các Sở VHTT&DL, Ban Dân tộc các tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc Khmer khu vực phía Nam. Đặc biệt là sự hiện diện của hơn 2.000 nghệ nhân, vận động viên và hàng nghìn khán giả cùng mong chờ ngày hội của dân tộc Khmer.
Ngày hội diễn ra trong sự mong chờ háo hức của hàng nghìn người dân
Đến dự và Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: Văn hóa các DTTS là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam về Địa phương có số ghe và đội đua ghe Ngo nhiều nhất
"Tuy nhiên, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được. Vì vậy tôi mong muốn đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: Người đi trước truyền lại cho người đi sau. Ông, bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Cộng đồng học hỏi lẫn nhau... với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Tiết mục phục dựng sự tích cúng trăng của đồng bào Khmer tại Lễ khai mạc ngày hội
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, phải có những chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và của cả dân tộc Việt Nam chúng ta. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch, để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân. Như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, gắn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.
Các đại biểu chung vui trong điệu múa Lâm thôn cùng các văn nghệ sĩ
Dịp này, Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao Chứng nhận xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam “Đua ghe ngo môn thể thao của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng có số lượng ghe và vận động viên tham dự nhiều nhất”. Đồng thời, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao biểu tượng du lịch cho Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng.
(baodantoc.vn)