Khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng dân số DTTS rất ít người tại tỉnh Sơn La

03:08 PM 25/04/2019 |   Lượt xem: 12480 |   In bài viết | 

Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới, UBDT triển khai xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc”. Để phục vụ cho việc xây dựng Đề án, UBDT đã cử đoàn công tác do bà Phạm Thị Thúy Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I làm trưởng đoàn đến khảo sát đánh giá thực trạng tại các địa phương.

Tại tỉnh Sơn La, Đoàn công tác đã đến gặp gỡ trực tiếp các hộ gia đình dân tộc La Ha để điều tra, phỏng vấn và trao đổi, thu thập báo cáo của xã Nong Lay (huyện Thuận Châu) và xã Chiềng Muôn (huyện Mường La). Sau đó, Đoàn công tác của UBDT đã có buổi làm việc với UBND huyện Thuận Châu và huyện Mường La.

Theo báo cáo của các địa phương, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc nói chung và đối với đồng bào dân tộc La Ha nói riêng đã đạt được nhiều kết quá đáng kể, tập trung ở các lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn, các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đối với các dân tộc trên địa bàn.

Đối với lĩnh vực y tế, đồng bào dân tộc La Ha đều được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); việc cấp phát, thu, đổi thẻ BHYT được thực hiện thường xuyên, liên tục đảm bảo cho đồng bào được khám, chăm sóc và điều trị theo đúng quy định. Con em người dân tộc La Ha đi học đúng độ tuổi, được hưởng đầy đủ các chính sách về giáo dục và đào tạo.

Đoàn công tác của UBDT phỏng vấn trực tiếp người DTTS

Qua khảo sát tại địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách trên địa bàn. Dân tộc La Ha vẫn đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về phát triển kinh tế, văn hóa, đồng hóa về ngôn ngữ, vấn đề chất lượng dân số, nguồn nhân lực, công tác chăm sóc sức khỏe còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo, tỉ lệ người dân không biết đọc, biết viết còn cao.

Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với người dân chưa được đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của các chính sách nên chưa chủ động tham gia, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn, chủ động đầu tư mở rộng sản xuất theo các mô hình có hiệu quả, phần lớn quen với việc sản xuất tự cung, tự cấp...

Công tác khảo sát, đánh giá thực trạng tại các địa phương, cùng với các số liệu thu thập từ thực tế cuộc sống của đồng bào sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng Đề án.

Hờ Bá Hùa