Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS tại tỉnh Lâm Đồng

08:29 PM 14/06/2018 |   Lượt xem: 3423 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng cùng Đoàn khảo sát thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm nhà chị Rơ Ông K Nga (xã Liêng Srônh, huyện Đăm Rông)

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lâm Đồng còn 3,91%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) là 11,56%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,91%, trong đó hộ cận nghèo là người DTTS là 11,45%.

Tỉnh có 13 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có 02 chương trình đặc thù cho hộ nghèo là người DTTS: cho vay phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54/QĐ-TTg và cho vay hộ DTTS nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 10 năm (2007-2017) triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đã tác động đa chiều đến cuộc sống của đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương nói chung và vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS nói riêng. Đây là nguồn lực để hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là việc hỗ trợ để ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ mua cây, con giống và tư liệu sản xuất khác.

Đây cũng là nguồn vốn rất quan trọng để hộ nghèo DTTS có thể sử dụng cùng với các nguồn lực khác làm nhà ở, xóa nhà tạm và cải thiện môi trường sống. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng chính sách rất quan trọng để cho con em hộ đồng bào DTTS được bảo đảm việc học tập cũng như nâng cao trình độ tay nghề.

Thông qua vay vốn tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng những ưu đãi trong tín dụng như: vay vốn không phải thế chấp tài sản, lãi suất thấp, thủ tục vay vốn đơn giản, thời hạn vay vốn phù hợp... đã tạo điểm tựa cho họ vươn lên trong sản xuất và đời sống. Với mức cho vay bình quân sản xuất 22,1 triệu đồng/hộ, vốn tín dụng chính sách xã hội đã có tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần quan trọng làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào DTTS theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu cho đồng bào giúp cho đời sống giảm bớt khó khăn, bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội... đảm bảo an sinh xã hội, giúp cho hộ DTTS từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên quê hương mình, góp phần ổn định chính trị, an ninh và trật tự xã hội.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, dự án thuộc khung chương trình giảm nghèo, cùng với các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo là đồng bào DTTS, nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo đã thay đổi căn bản trong tập quán sản xuất, biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp của hộ gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới và tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục đáng kể tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp, quen dần với sản xuất hàng hoá.

Có thể khẳng định rằng hoạt động của NHCSXH là một trong những công cụ tài chính hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng

Trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát, khẳng định vai trò của tín dụng chính sách trong đời sống đồng bào DTTS nói riêng và đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương nói chung, đại diện các Hội đoàn thể nhận ủy thác và Ban Dân tộc tỉnh đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS trong tỉnh.

Trong khi cây cà phê không còn mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn thì các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhanh chóng cho doanh thu nhưng đòi hỏi đầu tư ban đầu khá lớn. Vì thế, người dân mong muốn được nâng mức vay cho các mô hình này nhằm giúp bà con có điều kiện đầu tư chuyển đổi sản xuất. Đặc biệt, ở những vùng địa giới giáp ranh hoặc những khu vực nhiều hộ dân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc tăng vốn rất quan trọng, bởi bà con không còn một kênh tiếp cận vốn nào ngoài NHCSXH.

Trước đặc thù trình độ dân trí của đồng bào DTTS còn hạn chế, điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật còn có hạn, ngoài “cầm tay chỉ việc”, đại diện các Hội đoàn thể kiến nghị cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền đặc thù để có thể tác động đến nhận thức của đồng bào, như đầu tư cho vay những mô hình điểm để bà con học tập theo.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến chính sách dành cho đồng bào DTTS. Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên ban hành chính sách riêng của địa phương để phát triển đời sống đồng bào DTTS. Quan điểm của tỉnh là nếu không chăm lo cho đồng bào DTTS thì tỉnh không thể phát triển toàn diện được. Đến 31/5/2018, ngân sách địa phương đã chuyển ủy thác qua NHCSXH hơn 92 tỷ đồng, tạo nguồn lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn ưu đãi.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng, rà soát, xác định lại các chính sách giảm nghèo, nghiên cứu đề xuất một số chính sách mới đối với hộ nghèo DTTS, vùng nghèo, như hỗ trợ giảm nghèo thông qua chính sách tín dụng có hỗ trợ lãi suất kết hợp với hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo từ nguồn vốn ngân sách địa phương, đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách như: miễn giảm học phí; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề và nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo; xóa nhà tạm cho hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020… Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm tập huấn cho cán bộ cơ sở về phương thức ứng dụng khoa học kỹ thuật, khuyến nông khuyến lâm để từ đó hướng dẫn người dân phương pháp sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hiện Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất khu vực Tây Nguyên.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng kiểm tra việc công khai thông tin các chương trình tín dụng chính sách và hoạt động vay vốn chính sách

Về phía NHCSXH, ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ban Học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khá đã trao đổi về các nội dung mà Hội đoàn thể và địa phương quan tâm, như tăng mức vay, phân bổ vốn cho các chương trình… Liên quan đến nguồn vốn cho vay ưu đãi, ngoài vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, ông Tuấn cho rằng, địa phương cần quan tâm tập trung các nguồn vốn vay đang nằm rải rác ở các cơ quan, hội đoàn thể về một mối có tổ chức chuyên nghiệp là NHCSXH để tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay….

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng đã đánh giá cao hiệu quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt với đồng bào DTTS, cùng với các chính sách riêng mang đặc thù của địa phương dành cho đồng bào và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đánh giá cao đề xuất xây dựng mô hình điểm để đồng bào DTTS học tập và kiến nghị phương pháp để tổ Tiết kiệm vay vốn có thể tăng cường nâng cao kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật cho bà con. UBDT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị liên quan đến chính sách khuyến nông khuyến lâm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, rà soát thu các nguồn vốn về một đầu mối…

* Trước đó, Đoàn khảo sát đã có các buổi thăm các hộ đồng bào DTTS vay vốn và làm việc với chính quyền cơ sở, Hội đoàn thể nhận ủy thác tại xã Liêng Srônh (huyện Đăm Rông) và xã Lát (huyện Lạc Dương). Các hộ dân đề xuất Chính phủ về việc tăng mức vốn vay để chuyển đổi cây cà phê hiệu quả kinh tế thấp sang cây nông nghiệp ngắn ngày áp dụng công nghệ cao.

PV