Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tháp tùng Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Sóc Trăng
10:36 PM 19/06/2018 | Lượt xem: 3938 In bài viết |Sáng 19/6, tại Trung tâm Văn hóa Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và Phát động khởi nghiệp năm 2018 tỉnh Sóc Trăng. Cùng tham dự Hội nghị có các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng chí Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT cùng tháp tùng đoàn và tham gia phát biểu tại buổi làm việc.
Hội nghị với chủ đề “Sóc Trăng - Cơ hội của bạn” thu hút trên 500 đại biểu tham dự là các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, tổ chức thương mại quốc tế; các chuyên gia về kinh tế, các doanh nhân, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 nhằm tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh và chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững; gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có ý định tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thông qua sự kiện này, lãnh đạo tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư có quy mô lớn; kết hợp khởi công một số dự án trọng điểm đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời phát động tinh thần khởi nghiệp và ra mắt cộng động khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Sóc Trăng kỳ vọng sẽ tận dụng được cơ hội để quảng bá và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như: du lịch sinh thái với đặc thù là vùng sông nước phù xa, vườn cây trái xanh bạt ngàn, phong phú… kết hợp với vùng rừng phòng hộ, ngập mặn ven biển; du lịch tín ngưỡng với nhiều kiến trúc chùa chiền phong phú, đặc trưng của nhiều đồng bào dân tộc và nhiều tín ngưỡng khác nhau; xây dựng khu nghỉ dưỡng; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; công nghiệp chế biến; nông nghiệp kỹ thuật cao; trung tâm thương mại hiện đại; năng lượng tái tạo (nhiệt điện, điện gió, điện sinh học, điện mặt trời…).
Đồng thời, Sóc Trăng cũng tin tưởng rằng với sự ra mắt của Cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng, sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức trong lĩnh vực khởi nghiệp sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Cùng khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực không biết mệt mỏi của tỉnh Sóc Trăng: “với Sóc Trăng thì không có gì là không thể nếu chúng ta có quyết tâm thực hiện, một quốc gia hay một địa phương muốn vươn lên thành công đều phải dựa vào tiềm năng và lợi thế của mình. Vấn đề là chìa khóa nào để biến những lợi thế thành lợi thế cạnh tranh. Với ý tưởng của mình, Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Dù là tỉnh có vị trí kém thuận lợi, nhưng Sóc Trăng lại có ưu thế phát triển về biển (có cửa biển nổi tiếng Trần Đề), có thể nói Sóc Trăng đã đổi thay rất nhiều trong những năm qua”. Thủ tướng nhấn mạnh.
“Trong quan hệ xã hội, người dân Sóc Trăng, có nhiều đức tính quý báu là những người nhân nghĩa, đằm thắm, thẳng thắn, bộc trực, sống hào phóng và giản dị. Đồng thời, Sóc Trăng có nhiều tài nguyên khai thác về du lịch, có nhiều Lễ hội lớn mang tầm cỡ Quốc gia như: Lễ hội Óc Om Bok, Đua Ghe Ngo... Sóc Trăng có trên 200 ngôi chùa của người Khmer, người Kinh (trong đó, có những ngôi chùa rất nổi tiếng như chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu...). Chính vì vậy, Sóc Trăng cần vượt lên chính mình, xây dựng chỗ đứng cho người dân trên trường quốc tế. Chính quyền năng động, tận tụy đối với người dân, với Sóc Trăng thì không có gì là không thể nếu chúng ta có quyết tâm thực hiện, đặc biệt là yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bên cạnh đó, giáo dục là chìa khóa đối với Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề, hướng nghiệp cho sinh viên, tạo nghề nghiệp cho người dân” - Thủ tướng lưu ý thêm.
Tỉnh Sóc Trăng đã lập danh sách trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 47 dự án, tổng mức vốn đầu tư trên 122.880 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và 10 kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị đại diện lãnh đạo UBDT cho ý kiến về các vấn đề có liên quan. Theo đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đã báo cáo với Thủ tướng về 2/10 vấn đề mà địa phương kiến nghị có liên quan đến chính sách cho đồng bào DTTS, một là Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ Khmer và Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường DTNT trên địa bàn. Ngoài 2 vấn đề trên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm còn báo cáo chi tiết về Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới của Ban Bí thư. Qua đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải chỉ ra những điểm mà địa phương có thể vận dụng để giải quyết những vấn đề vướng mắc hiện tại của địa phương.
Sau khi các bộ ngành có ý kiến cụ thể với từng lĩnh vực chuyên môn, Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể từng lĩnh vực. Thủ tướng chỉ đạo: “Sóc Trăng cần rà soát lại các chỉ tiêu đề ra, tiếp tục làm tốt hơn, liên tục hơn về môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến Sóc Trăng. Cần chú ý, quan tâm hơn nữa đến đồng bào Khmer, nhất là hộ nghèo. Riêng về 2 vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc, Thủ tướng giao UBDT chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng khẩn trương thẩm định Đề án xoá nhà tạm bợ cho đồng bào Khmer giai đoạn 2018-2020, báo cáo Thủ tướng quyết định triển khai thực hiện từ các nguồn vốn ưu đãi… Còn Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường DTNT trên địa bàn thì địa phương làm Đề án báo cáo Chính phủ để có hướng thực hiện…”.
Hạnh Nguyên