Vinh dự và tự hào các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc
09:46 AM 01/11/2015 | Lượt xem: 12517 In bài viết |Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2011); chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (22/5), những người làm công tác dân tộc trên mọi miền đất nước đang hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946-3/5/2011).
Cách đây 65 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Uỷ ban Dân tộc ngày nay. Tiếp đó, ngày 9/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số nhằm “nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trên toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.
Như vậy, chỉ một năm sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc đã được thành lập. Chức năng, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được xác định trong sắc lệnh Bác Hồ đã ký là: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, từ đó đến nay trong Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều có một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc. Các cơ quan này trong từng thời kỳ cách mạng dù với những tên gọi khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao; trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước vừa là cội nguồn cách mạng vừa phối hợp với quân chủ lực tiêu diệt nhiều sinh lực địch, lập nhiều chiến công hiển hách. Nhiều chiến dịch lớn có tính quyết định diễn ra ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bằng lòng dũng cảm hy sinh của quân dân cả nước, chúng ta đã đánh thắng thực dân và đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu non sông gấm vóc về một mối, viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục kiên trì đường lối đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc: “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển”. Nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc đã được ban hành và triển khai thực hiện như Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Đáng chú ý là chương trình của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa IX về công tác dân tộc; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số; chính sách định canh định cư; chính sách trợ giá trợ cước; chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, các chính sách cụ thể đối với một số vùng đặc thù đối với các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số và việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều chuyển biến quan trọng và đạt được nhiều kết quả. Kinh tế tăng trưởng khá, một bộ phận vốn quen sản xuất tự cấp, tự túc đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, tạo ra một số vùng kinh tế hàng hoá, hạn chế việc du canh du cư đốt phá rừng làm nương rẫy, xây dựng được những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả và ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Tăng trưởng kinh tế tại các địa phương vùng dân tộc và miền núi luôn đạt tỷ lệ 8-10%. Thu nhập đầu người đạt 4,2 triệu đồng/năm. Công tác xoá đói giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, không còn hộ đói kinh niên, số hộ nghèo giảm một cách rõ rệt, số hộ khá, giàu ngày một tăng; tỉ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ trên 47% (năm 2006) xuống còn 28,8% (năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 3-4% hộ nghèo. Cở sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc và miền núi (đường giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch sinh hoạt, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, chợ) được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân sinh của đồng bào các dân tộc. Mặt bằng dân trí ở vùng đồng bào dân tộc được nâng lên rõ rệt; đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hầu hết các xã, thôn, bản đã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường. Các huyện vùng sâu, vùng xa có trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi và đã có hàng vạn con em đồng bào các dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Công tác chăm sóc sức khỏe được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, miễn phí khám chữa bệnh, các huyện vùng dân tộc đã có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 25%. Trẻ em được tiêm phòng đầy đủ, các dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi. Văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện, 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ gia đình được nghe đài phát thanh, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã. Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và chăm lo công tác cán bộ vùng dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi ngày càng trưởng thành, gắn bó với nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều chuyển biến quan trọng
Cở sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc và miền núi được cải thiện rõ rệt
Với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Sự kiện tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2010) đánh dấu một mốc quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; ghi nhận và đánh giá cao cống hiến của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đánh giá và khẳng định sự đúng đắn đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tạo niềm phấn khởi và củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước ta trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc khoá XI. Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng là diễn đàn để đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu, học hỏi những điển hình tiên tiến, thi đua yêu nước phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Những thành tựu đạt được trong 65 năm qua của đồng bào các dân tộc thiểu số có sự đóng góp tích cực của đội ngũ các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc trong cả nước nói chung và Uỷ ban Dân tộc nói riêng, vượt lên mọi khó khăn thách thức để vận động đồng bào thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Những thành tựu đạt được đó cũng chính là niềm tự hào, hạnh phúc của mỗi cán bộ làm công tác dân tộc./.
Nguyễn Văn Phong