Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4: Cùng tìm cách “để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”

08:58 AM 06/06/2010 |   Lượt xem: 3130 |   In bài viết | 
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc VN, thực hiện quan điểm đầu tư và phát triển “tạo cơ chế để đồng bào dân tộc và địa phương tham gia xây dựng khu các làng dân tộc, Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc VN từ thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác”, đảm bảo khai trương đưa vào hoạt động năm 2010, phù hợp với yêu cầu của thực tế, cơ bản hình thành điểm đến văn hoá, du lịch, thể thao đặc sắc, hấp dẫn, Ban quản lý xác định cộng đồng-chủ thể văn hoá là người đề xướng, là chủ thể của các hoạt động và là nguồn nhân lực đặc biệt của Làng, bên cạnh đó các cơ quan quản lý của địa phương cũng có vai trò rất quan trọng, do đó để tạo sự kết nối, tương hỗ giữa Làng và các chủ thể trên thì cơ chế đóng vai trò quyết định.

Cũng theo ông Hồ Anh Tuấn, trên cơ sở nhận định này, Hội nghị rất mong muốn sự đóng góp xây dựng cơ chế, hướng tới tương lai và dự định tạo dựng những triển vọng mới, sâu sắc hơn cho mối quan hệ giữa Làng và các bên liên quan theo những mục tiêu: Bàn cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành, đào tạo nguồn nhân lực Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc VN thực hiện quan điểm “để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”.

Hội nghị sẽ lần lượt đi sâu phân tích, mổ xẻ cũng như tìm các giải pháp cho việc xây dựng cơ chế tổ chức các chương trình, hoạt động, quản lý, vận hành tại Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc VN; Cơ chế tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực tại Khu các làng dân tộc.

Ông Tuấn cho biết, với chủ đề một, các nhà nghiên cứu, quản lý, già làng, trưởng bản, nghệ nhân và trí thức người dân tộc sẽ cùng nhau xác định các điểm văn hoá dân tộc đại diện có khả năng liên kết với Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc VN tại địa phương, vùng, miền, lựa chọn các ưu tiên.

Xác định mô hình quản lý, khai thác, vận hành với sự tham gia của các chủ thể văn hoá. Cơ chế tổ chức các hoạt động chương trình (thường xuyên, định kỳ, hoạt động kết hợp theo tuyến không gian và thời gian của Khu các làng dân tộc): Lễ hội, biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể thao dân tộc tái hiện cuộc sống thường ngày của các dân tộc với sự tham gia của các địa phương và trực tiếp của các chủ thể văn hoá.

Cũng tại chủ đề có vai trò quan trọng này, hội nghị cũng sẽ đi sâu bàn bạc, phân tích về cơ chế phối hợp giữa các địa phương, dân tộc với Ban quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc VN trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc.

Cùng nhau xác định các giải pháp phát triển mối liên hệ giữa dự án, địa phương, dân tộc cùng các đối tác tham gia. Phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên trong việc tham gia quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc.

Được biết, trong Hội nghị này các nhà nghiên cứu, già làng, trưởng bản... cùng nhau thảo luận về vai trò đề xướng, tham gia của các chủ thể văn hoá trong các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc tại các khu văn hoá du lịch, các bảo tàng tại VN. Bài học kinh nghiệm về sự tham gia của các chủ thể văn hoá trong hoạt động, quản lý, vận hành, khai thác các khu văn hoá du lịch tương tự ở nước ngoài.

Với chủ đề Cơ chế tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực tại Khu các làng dân tộc, các nhà nghiên cứu, quản lý và đặc biệt là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, trí thức người dân tộc sẽ hết sức chú trọng để nhằm đưa ra những giải pháp thích hợp, đồng thời mang tính khả thi cao.

Với chủ đề này, theo chương trình các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về chủ thể văn hoá-đồng bào các dân tộc là trung tâm, hạt nhân được tham gia vào hoạt động quản lý, vận hành khu các làng dân tộc, đảm bảo việc giới thiệu các giá trị văn hoá đặc sắc, thu hút khách du lịch, hấp dẫn du khách nhưng không làm “chuyên nghiệp hoá” đồng bào các dân tộc.

Xác định đối tượng, yêu cầu về nguồn nhân lực tham gia hoạt động, quản lý, khai thác, vận hành tại Khu các làng dân tộc; phương thức tuyển chọn, đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động thường xuyên, nhân lực phục vụ hoạt động sự kiện tại các khu làng dân tộc.

Trong bức thư gửi tới Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc VN đang được tập trung xây dựng thành một trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc VN, vì vậy tạo cơ chế liên kết, tương hỗ để quản lý, phát triển văn hoá, du lịch tại đây không chỉ là công việc của Ban quản lý mà còn là yêu cầu, trách nhiệm của xã hội để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Hội nghị sẽ tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để mỗi thành viên từ kinh nghiệm bản thân, địa phương, dân tộc cùng khai thác, hoạt động, đào tạo góp phần thiết thực hưởng ứng “Ngày Văn hoá các dân tộc VN” 19.4. Hơn nữa, Hội nghị không chỉ là nơi giới thiệu, trao đổi các kinh nghiệm tốt mà còn là dịp đi sâu phân tích các kinh nghiệm đó, bàn luận về các cơ chế thích hợp và mở ra những triển vọng hợp tác và phát triển bền vững cho tương lai.

Trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị và cũng là hướng đến Ngày Văn hoá các dân tộc VN, Ban tổ chức và một số đơn vị nghệ thuật sẽ tổ chức chương trình văn nghệ; tổ chức không gian trưng bày cho các địa phương, doanh nghiệp tổ chức giới thiệu, ấn phẩm, sách, sản phẩm du lịch, quảng bá giới thiệu hình ảnh về văn hoá dân tộc.

Theo Văn hóa