Ông Hoàng Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tam Gia, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết như vậy khi nói về sự đổi thay trên địa bàn.
Từ chỗ đã quá quen với cuộc sống du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, cuộc sống của hơn chục hộ dân ở thôn Phà Tầm, xã Tam Gia - một xã vùng 3 của huyện Lộc Bình không thể thoát khỏi cảnh đói nghèo. Trong thời điểm giáp hạt, tình trạng đứt bữa vẫn thường xảy ra ở đây.
Tuy nhiên, sau khi được cán bộ chiến sĩ đơn vị 196 thuộc Sư đoàn 338 xây dựng làng biên giới với quy mô hơn mười gia đình với đầy đủ nhà ở và công trình phụ, đất canh tác, chuồng trại chăn nuôi gia súc, các hộ dân nơi đây đã có chỗ ở và từng bước ổn định cuộc sống.
Nhờ có sự đầu tư này mà cấp ủy chính quyền xã Tam Gia tháo gỡ được nỗi lo về việc tạo nơi ở và việc làm ổn định cho một số hộ dân còn nghèo khó, trên địa bàn xã.
Ngoài nhà ở, bà con trong thôn còn được đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, đồng thời được cán bộ chiến sĩ đơn vị 196 thường xuyên đến động viên, giúp đỡ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
Bằng cách cầm tay chỉ việc, các cán bộ chiến sĩ đã từng bước thay đổi tập quán đốt nương làm rẫy, thả rông gia súc, gia cầm của bà con. Đến thời điểm này, nhiều gia đình trong thôn đã trồng được hàng chục ha rừng. Đồng thời phát triển chăn nuôi gà, lợn đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã.
Anh Hoàng Văn Đạt ở Bản mới Phà Tầm hồ hởi: “Bây giờ đời sống bà con ổn định, công trình phụ và điện nước đã có, các hộ gia đình thống nhất một kiểu nhà, nếu mặt bằng cho phép có thể làm một dãy phố thì quá đẹp!”.
Hiện nay, cấp ủy chính quyền xã Tam Gia đã và đang chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với bộ đội biên phòng triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở bản mới.
Các hội, đoàn thể cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của người dân nơi đây, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng chính sách để đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt.
Từ chỗ chỉ chăn nuôi lợn để đến Tết Nguyên đán có lợn thịt phục vụ gia đình, đến nay, nhiều hộ dân trong làng đã đầu tư kiên cố, mở rộng chuồng trại chăn nuôi từ 5- 10 con mỗi lứa. Điều đáng ghi nhận là bà con đã rất chủ động trong việc phòng trừ dịch bệnh nên rủi ro trong chăn nuôi đã giảm hẳn.
Có thu nhập từ chăn nuôi, bà con tiếp tục phát triển vườn rừng và coi đó là hướng phát triển lâu dài, ổn định cuộc sống. Hiện nay, hàng chục ha rừng thông của các hộ dân trong làng đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch nhựa thông trong thời gian không xa.
Để cây thông thực sự mang lại hiệu quả lâu bền cho người dân, ngoài việc hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu róm thông, cấp ủy chính quyền xã Tam Gia còn vận động bà con không khai thác nhựa thông khi cây chưa đủ tuổi và chưa đạt đường kính thân cho phép; Chỉ đạo các trưởng thôn, phối hợp tuyên truyền vận động bà con cùng nhau tích cực quản lý bảo vệ rừng.
“Bà con bây giờ có ruộng để làm kinh tế nên mấy năm nay phát triển về đồi rừng, kinh tế ngày càng phát triển”, ông Hà Văn Đâu, Trưởng thôn Phà Tầm cho biết.
Sự ổn định và phát triển của người dân ở bản mới sau 2 năm đưa vào sử dụng đã và đang tạo cho Tam Gia có nền móng vững chắc hơn trong công tác xóa đói giảm nghèo. Cho đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn khoảng 50%. Có thể với các địa phương khác thì đây là con số kém hiệu quả nhưng với xã biên giới còn nhiều khó khăn như Tam Gia thì việc giảm 2%-3% tỷ lệ hộ nghèo trong một năm như hiện nay là điều rất đáng mừng.
Để tiến tới sự phát triển bền vững, xã Tam Gia nói riêng, bản biên giới nói chung rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng. Từ thực tế sự đổi thay trên địa bàn xã Tam Gia có thể khẳng định rằng, khi ý Đảng hợp lòng dân, người dân đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm thì việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương vùng biên ngày càng đổi mới là điều có thể trở thành sự thực trong tương lai gần./.
Mai Hảo (Nguồn: Vovnews.vn)