Trường vùng sâu với công tác xã hội hóa

09:47 AM 03/10/2010 |   Lượt xem: 3035 |   In bài viết | 
Công tác xã hội hóa giáo dục của trường phát triển mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Trước năm học 2007-2008, tập thể giáo viên của trường cũng cố gắng phối hợp cùng phụ huynh học sinh thực hiện vận động các nguồn quỹ khuyến học - khuyến tài để góp sức chăm lo cho học sinh nghèo, có kinh phí để trường nâng chất các hoạt động phong trào. Thế nhưng, hiệu quả đem lại không như mong đợi khi số lượng hỗ trợ còn khiêm tốn.
 
Nhưng từ năm học 2007-2008, Ban Khuyến học của trường được củng cố lại với 5 thành viên là những người có uy tín trong Hội Phụ huynh học sinh của trường. Cũng từ thời điểm ấy, khi nhắc tới Trường THCS Tân Phước Hưng, mọi người lại nghĩ ngay đó là “điểm sáng” về công tác xã hội hóa giáo dục ở huyện Phụng Hiệp. Sang năm học 2008-2009, nhờ thực hiện những bước đi bài bản, tạo dựng được niềm tin với các mạnh thường quân, nên nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ khá “đậm”. Năm học đó, trường nhận được 3.000 quyển tập, 2 chiếc xe đạp, hơn 40 suất học bổng. Bên cạnh đó, phụ huynh còn đóng góp tiền điện học vi tính, sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất với tổng số tiền trên 50 triệu đồng. Với nền tảng khá vững, thành công lại đến với trường, năm học 2009-2010, số tiền hỗ trợ và số suất học bổng lại “nhỉnh” hơn năm trước khi có đến 94 suất học bổng được trao. Ngoài ra, những học sinh nghèo vượt khó của trường đã nhận được 3 xe đạp, 29 phần quà, 3.500 quyển tập, trên 600 viết các loại, 14 ghế đá... ước tính tổng số tiền, quà tặng, học bổng trên 100 triệu đồng.

Đến thời điểm này, tuy mới bắt đầu vào năm học mới, nhưng nhà trường đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Tại lễ khai giảng, hơn 4.000 quyển tập, 42 suất học bổng của các mạnh thường quân đã được trao. Tổng trị giá bằng tiền là trên 40 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm học mới, tập thể giáo viên và học sinh của trường càng thêm phấn khởi khi được Sở Giáo dục & Đào tạo đầu tư thêm 20 bộ máy vi tính, từ đó đã góp phần quan trọng giúp trường đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập. Thống kê đầu năm học, số học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường là gần 200 em, chiếm hơn 39% tổng số học sinh. Bởi vậy, sự hỗ trợ kịp thời từ các mạnh thường quân cũng là cách thức hiệu quả giúp các em gắn bó với trường, với lớp.

 * Tạo nền cho chất lượng giáo dục bền vững

 Nằm trong tình trạng chung của nhiều trường vùng sâu, những năm học trước, Trường THCS Tân Phước Hưng cũng vướng phải tình trạng học sinh vì nghèo phải bỏ học. Nhưng từ khi công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, thì số lượng này giảm rõ rệt, nếu trước năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh bỏ học có năm lên đến 8%, thậm chí là 10%, nhưng từ năm học 2008-2009, thì số lượng này giảm đáng kể. Trong năm học vừa rồi, số học sinh bỏ học chỉ chiếm khoảng 3%. Tuy đây là con số không nhỏ nhưng nếu nhìn vào điều kiện của trường cũng như thực trạng học sinh bỏ học những năm trước, thì tỷ lệ này đã thể hiện được nỗ lực lớn trong việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.

Khi công tác xã hội hóa càng mạnh thì chất lượng giảng dạy và học tập cũng được nâng lên một bước. Như trong năm học qua, tổng số tiết dự giờ toàn trường là gần 120 tiết, trong đó có gần 85% số tiết xếp loại giỏi. Tổng kết năm học, học sinh khá giỏi chiếm trên 45%, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt chiếm trên 84%, có 30 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp... Cô Hà Thị Bình, Hiệu trưởng của trường rất phấn khởi khi nói về thành quả đạt được từ hoạt động xã hội hóa: “Chất lượng giáo dục đạt được như vậy không chỉ là công sức của nhà trường, mà đó còn là thành quả của phụ huynh học sinh, đặc biệt là các đơn vị đã tài trợ. Chúng tôi luôn ghi nhớ và chân thành cảm ơn những gì mà cộng đồng đã và đang làm cho trường”.

Nói về hoạt động này ở Trường THCS Tân Phước Hưng, nếu không đề cập đến Ban Khuyến học của trường sẽ là thiếu sót. Ông Lâm Minh Quang, Trưởng ban Khuyến học của trường cho rằng, việc vận động được nguồn quỹ đã khó nhưng duy trì, làm cho các đơn vị hỗ trợ tin tưởng, gắn bó thì khó hơn gấp bội, nên nhà trường luôn rà soát, xem xét để trao những suất học bổng, những phần quà đúng đối tượng, đó cũng là cách tạo niềm tin với mọi người. Ông Quang mong sao sẽ nhận được thêm nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ cộng đồng, vì đó là động lực để thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, giúp học sinh cố gắng phấn đấu học tốt hơn, chăm ngoan hơn.

Con số vài trăm triệu đồng vận động được trong 3, 4 năm học chưa phải là quá nhiều, nhưng với một địa bàn còn khá đông gia đình thuộc diện khó khăn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì những gì Trường THCS Tân Phước Hưng làm được có thể coi là sự đột phá, làm thay đổi suy nghĩ nhiều người khi cho rằng, xã hội hóa giáo dục chỉ có thể làm tốt ở những nơi giàu có.

Bài, ảnh: Hoàng Nguyên (Nguồn: Báo Hậu Giang)