Theo báo cáo của FAO, năm 2009 thế giới có 1 tỷ người thiếu đói với nguyên nhân chính do giá lương thực tăng vọt vì đại khủng hoảng kinh tế thế giới. "Đây là sự bi thảm trong thời hiện đại" - Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf nhận định.
Cũng theo đánh giá của FAO, sản xuất lương thực sẽ phải tăng được 70% để có thể cung cấp đủ lương thực cho 9,2 tỷ dân vào năm 2050. Tuy nhiên, với tình trạng khan hiếm đất canh tác, người nông dân sẽ buộc phải đạt được sản lượng cao hơn trên diện tích hiện đã, đang sử dụng thay vì mở rộng trang trại.
Ông Jacques Diouf nói: "Sở dĩ FAO kết hợp chủ đề chung tay chống đói nghèo với sự cần thiết phải triển khai cuộc cách mạng xanh vì, nhiệm vụ tăng sản lượng lương thực lớn, để mọi người đều có khả năng tiếp cận lương thực là nhiệm vụ không của riêng ai. Để thực hiện được điều đó, cần phải có sự chung tay của các chính phủ, viện nghiên cứu, các hiệp hội nông dân…".
Vấn đề được đặt ra hiện nay theo FAO là, ai sẽ làm ra được tất cả số lượng lương thực tăng thêm đó, đảm bảo đủ cung cấp cho 2,5 tỷ người tăng thêm trên toàn thế giới vào năm 2050. Ông Jacques Diouf cho rằng: "Hơn lúc nào hết, chúng ta cần mở rộng quy mô sản xuất lương thực tới mức độ đủ để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Các quốc gia, cần sớm thông qua những bộ luật giúp bình ổn quyền sử dụng đất để nông dân yên tâm về đất đai của họ và áp dụng các biện pháp sản xuất mang tính bền vững cao, nhằm đảm bảo an ninh lương thực lâu dài".
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Yuriko Shoji- Trưởng Văn phòng đại diện FAO tại Hà Nội: "Theo ước tính của chúng tôi hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ người, tương đương 1/6 dân số thế giới đang bị thiếu ăn. Do đó, nhiệm vụ chống đói nghèo là rất quan trọng và cấp bách trong thời điểm này, đặc biệt đối với VN, một nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn hiện nay".
Giữ 3,8 triệu ha cho sản xuất lúa
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Trong những năm qua, VN đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho 1 triệu người tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu liên tục xảy ra. Vì vậy, VN đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của FAO và tiếp tục mong FAO tăng cường hỗ trợ VN trong sản xuất nông nghiệp hơn nữa, nhất là chương trình nông thôn mới trong thời gian tới".
Theo Tổng cục Thống kê: Trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 284.000 lượt hộ với gần 2,654 triệu lượt nhân khẩu bị thiếu đói. Các hộ bị thiếu đói chủ yếu tập trung ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Trước sức ép lương thực thấy rõ, vừa qua hai Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất với nhau trong đề án an ninh lương thực, giữ diện tích sản xuất lúa đến năm 2030 là 3,8 triệu ha. Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Mặc dù chúng ta đang là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nhưng với thực trạng dân số trong nước ngày càng tăng, quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do công nghiệp hoá, đô thị hoá, vấn đề giữ cứng một diện tích sản xuất lúa là cần thiết và bắt buộc. Đề án này sẽ sớm được hai bộ trình Chính phủ thông qua".
Bà Yuruki Shoji cho biết: "FAO cam kết cùng các tổ chức khác tiếp tục hỗ trợ VN trong việc chống đói nghèo, sản xuất nông nghiệp bền vững. Trước mắt, FAO đã hỗ trợ một số dự án về sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững ở miền núi phía Bắc thông qua Viện KHKT nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc. Thực tế, các dự án này đang triển khai rất tốt".
Lê Hân (Nguồn: danviet.vn)