Giảm nghèo nhanh - Nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững ở Yên Bái
04:04 AM 14/10/2010 | Lượt xem: 2983 In bài viết |Nếu như giai đoạn 2001 - 2005, chúng ta thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo - việc làm thì bước sang giai đoạn 2006 - 2010 là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (CTMTQGGN). Có lẽ chính bản thân tên gọi và nhiệm vụ của nó đã thể hiện một bước tiến. Giai đoạn 2006 - 2010 mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân đã trở thành vấn đề mang tầm chiến lược là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với bất kỳ địa phương nào.
Mục tiêu đồng thời cũng là thách thức lớn đối với toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong toàn tỉnh, đòi hỏi quyết tâm cao độ và huy động mọi nguồn lực. Quá trình triển khai thực hiện đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 08/2006 của HĐND tỉnh về CTMTQGGN tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010. Nhiều nhóm giải pháp được triển khai đồng bộ từ việc quản lý chỉ đạo thực hiện chương trình tới các dự án, chương trình cụ thể cho người nghèo, hộ nghèo.
Đó là: nhóm các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thu nhập bền vững, nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo; nhóm dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, vùng nghèo; nhóm dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo phát triển bền vững; lồng ghép chương trình 135 vào mục tiêu giảm nghèo; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008. Với các nhóm giải pháp cụ thể nhiều chương trình, dự án đã được triển khai một cách thiết thực và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác cán bộ làm công tác giảm nghèo chính là một mấu chốt. Bởi thế, Dự án nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo bằng nguồn vốn CTMTQGGN và kinh phí hỗ trợ của các dự án quốc tế, từ năm 2006 - 2009 toàn tỉnh đã tập huấn nâng cao năng lực cho 3.214 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng.
Năm 2010, dự kiến mở 7 lớp tập huấn cho 500 học viên với kinh phí 360 triệu đồng. Đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình. Vì thế, Dự án đã được triển khai một cách nghiêm túc, qua đó năng lực quản lý của cán bộ đặc biệt là ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Dự án dạy nghề cho người nghèo bắt đầu được triển khai từ năm 2007, qua 4 năm triển khai từ nguồn vốn CTMTQGGN tỉnh đã bố trí trên 2 tỷ 700 triệu đồng cho hoạt động dạy nghề cho người nghèo. Dự án đã mở 77 lớp nghề tại các huyện, thị xã, thành phố cho 2.200 người nghèo. Riêng 6 tháng đầu năm 2010 đã mở 15 lớp tập huấn cho 450 học viên với tổng kinh phí triển khai 700 triệu đồng.
Ngoài ra, mỗi năm tỉnh cũng bố trí trên 4 tỷ đồng đào tạo nghề ngắn hạn cho từ 4.200 - 4.500 lao động ở nông thôn. Các khóa đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt chế biến nông sản, y tế thôn bản, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thuỷ sản, may công nghiệp, sửa chữa điện dân dụng... đã tác động trực tiếp làm thay đổi cuộc sống của người nghèo, hộ nghèo.
Với kiến thức và ngành nghề được đào tạo người nghèo đã có nhiều hơn cơ hội tìm kiếm việc làm như đi xuất khẩu lao động, hay làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy ngoại tỉnh... Các dự án khuyến nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với mục đích hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đã đạt được kết quả tích cực. Đến nay, đã có trên 400.000 lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn và hỗ trợ phát triển sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ trên 138 tỷ đồng. Nhiều hộ nghèo đã được hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất, thay đổi cung cách làm ăn, xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu.
Từ đó xuất hiện các mô hình làm ăn hiệu quả vươn lên thoát nghèo như: nuôi gà thả vườn, chăn nuôi trâu bò sinh sản bán công nghiệp, trồng rừng... đã cơ bản góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và cải thiện được cuộc sống. Đến nay, qua hơn 4 năm triển khai chương trình có thể thấy bộ mặt kinh tế - xã hội ở các xã nghèo, vùng nghèo đã có nhiều đổi thay. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã nghèo ngoài vùng 135 triển khai trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo với tổng mức đầu tư gần 237 tỷ đồng xây dựng 170 công trình.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, kinh phí đầu tư ước đạt trên 15 tỷ đồng. Các hạng mục công trình như: trường học, trạm xá, nước sạch, thủy lợi được xây dựng mới đã phát huy được hiệu quả, góp phần tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội. Hay Dự án hỗ trợ phát triển các xã nghèo (Quỹ cộng đồng) giai đoạn 2006 - 2010 đã có 23 xã nghèo được đầu tư với mức hỗ trợ bình quân một xã gần 5,7 tỷ đồng, tổng kinh phí hỗ trợ đạt trên 130 tỷ đồng.
Dự án đã tiến hành lồng ghép các hoạt động của Dự án Chia sẻ trong công tác giảm nghèo, mỗi năm huy động nguồn lực đạt trên 40 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, quản lý tài nguyên... Tất cả đã làm nên diện mạo mới trên những vùng quê nghèo, nhờ đó người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, con cái được học tập trong những ngôi trường khang trang, trạm y tế được nâng cấp với các điều kiện tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với nhóm dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo phát triển bền vững thông qua chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, đến nay đã huy động nguồn vốn đạt trên 1.076 tỷ đồng bằng 140% kế hoạch cả giai đoạn, từ năm 2006 đến nay đã có 61.463 hộ nghèo được vay vốn với mức vay bình quân trên 8,4 triệu đồng/hộ. Trung bình mỗi năm có từ 14.000 - 15.000 lượt hộ nghèo được xét duyệt cho vay vốn. Nguồn vốn vay đã được các hộ nghèo sử dụng hiệu quả đúng mục đích chủ yếu được đầu tư cho phát triển sản xuất hộ gia đình, làm nhà, xây dựng công trình nước sạch sinh hoạt...
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được triển khai tích cực với nhiều phong trào lớn và sự chung tay vào cuộc tích cực của các cấp các ngành, các đoàn thể và cộng đồng dân cư. Đó là phong trào xóa nhà dột nát, là “Nhà đồng đội”, là “Mái ấm tình thương” và gần đây nhất là Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ. Cho đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 10.690 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, kinh phí 86.536 triệu đồng, đạt trên 300% kế hoạch huy động vốn cho cả giai đoạn. Ngoài ra, còn hàng loạt các chính sách dành cho người nghèo như: hỗ trợ về y tế cho người nghèo, hỗ trợ về giáo dục, nước sinh hoạt rồi trợ giúp pháp lý cho người nghèo...
Theo báo cáo đánh giá từ Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội - cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Yên Bái giám sát thực hiện chương trình này nếu ước tỷ lệ giảm nghèo năm 2010 đạt 4% thì tỷ lệ giảm nghèo cả giai đoạn 2006 - 2010 đã giảm từ 34,71% cuối năm 2005 xuống còn 11,74% năm 2010, đạt 114,79% so với kế hoạch. Số hộ nghèo giảm từ 54.143 hộ năm 2005 xuống còn 22.152 hộ vào năm 2010. Đây là những con số rất có ý nghĩa đánh dấu thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo nói riêng và trong phát triển KT- XH của tỉnh nói chung. |
Cùng với đó, Chương trình 135 được lồng ghép vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, đến nay tổng số vốn đầu tư đạt trên 313 tỷ đồng. Đã tập trung xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa các hệ thống giao thông, thuỷ lợi, cơ sở chế biến nông - lâm sản, mạng lưới điện sinh hoạt, điện thoại, trường học, trạm xá và các công trình phúc lợi xã hội khác... Qua đó đã làm thay đổi cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn vùng cao, tích cực phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Gần đây nhất, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với tổng nguồn lực trên 7.132 tỷ đồng đã thêm một điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác giảm nghèo ở 2 huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh.
Tất cả các chương trình, dự án, các nhóm giải pháp đã triển khai thực hiện cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong thực hiện CTMTQGGN giai đoạn 2006 - 2010. Nếu như kế hoạch nguồn vốn ban đầu cho cả giai đoạn là trên 1.384 tỷ đồng thì tính đến 30/6/2010 tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình đã đạt trên 2.437 tỷ đồng, bằng 176% kế hoạch.
Chúng ta đã đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh. Song điều đáng quan tâm là sự bền vững của nó khi số hộ cận nghèo và số hộ nghèo phát sinh hằng năm còn cao. Vấn đề nâng chuẩn nghèo sẽ đặt ra những nhiệm vụ mới đòi hỏi cần sự tiếp tục vào cuộc và quyết liệt hơn của toàn Đảng bộ và nhân dân. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực, thực hiện công tác giảm nghèo; phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư ở vùng cao, vùng sâu.
Điều quan trọng hơn cả là vai trò và sự quyết tâm bứt phá của hộ nghèo. Bởi đâu đó vẫn còn những hộ nghèo, người nghèo do lười lao động, sử dụng nguồn vốn sai mục đích, còn có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý thức vươn lên để thoát nghèo...
Vì vậy, rất cần đẩy mạnh công tác tư tưởng trong tư duy thoát nghèo của người nghèo; tiếp tục đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư, chú trọng đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất tạo thu nhập; quan tâm đào tạo nghề cho người nghèo cũng chính là một trong những "cần câu" hiệu quả, thiết thực để giảm nghèo bền vững... Mục tiêu giảm nghèo nhanh có ý nghĩa hết sức to lớn của giai đoạn 2006 – 2010, chính là nền tảng để công tác giảm nghèo của tỉnh tiếp tục đạt thành tựu mới hướng mạnh vào mục tiêu nhanh đi đôi với bền vững và nâng cao chất lượng.
Ngọc Tú (Nguôn: Báo Yên Bái)