Người Cao Lan ở Quang Yên gìn giữ điệu hát Sình ca
08:09 AM 03/11/2010 | Lượt xem: 3653 In bài viết |Hát Sình ca hay còn gọi là hát ví của đồng bào dân tộc Cao Lan, là lối hát đối đáp giữa thanh niên nam nữ. Sình ca được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như: hát trong đám cưới, hát chúc tụng các cụ nhưng hát nhiều nhất vẫn là mỗi độ tết đến xuân về-những thanh niên nam nữ tham gia ca hát để tìm hiểu yêu đương.
Các điệu hát Sình Ca giản dị mà sâu lắng, phản ánh đời sống tinh thần, nói lên ước vọng của người Cao Lan về một cuộc sống ngập tràn tình yêu thương và hạnh phúc. Người lớn tuổi thì hát để so tài, còn nam thanh nữ tú sẽ giao duyên, tỏ tình với nhau qua những câu hát đối đáp để tìm hiểu nhau. Mỗi độ xuân về, làng mở hội, những làn điệu Sình ca ấy dập dìu suốt đêm, giai điệu bay bổng, lúc âm vang, lúc thánh thót, hòa quyện trong gió mang theo hương vị mùa xuân làm lay động lòng người. Mang giá trị quan trọng trong đời sống tinh thần, hát Sình ca đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu của đồng bào Cao Lan.
Sình ca được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán, khi hát ít khi có nhạc đệm, chủ yếu là do sự ứng phó tình huống, đối đáp của người hát. Trải qua nhiều năm tháng, ngày nay lớp thanh niên trẻ dân tộc Cao Lan không còn nhiều người biết hát Sình ca, biết chữ Hán để đọc được những lời hát Sình ca cổ, nhưng những làn điều Sình ca thì vẫn được người già trong làng lưu truyền và phát triển từ đời này sang đời khác.
Để gìn giữ những làn điệu Sình ca-nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan, Câu lạc bộ dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô được thành lập và ra mắt tối 20/10, với 37 thành viên là những người cao tuổi trong thôn. Câu lạc bộ sẽ mở lớp truyền dạy hát Sình ca cho đồng bào dân tộc Cao Lan trong thôn, đặc biệt là thế hệ trẻ; trước đó thôn đã tổ chức dạy chữ Hán cho bà con. Lớp học sẽ diễn ra vào thứ 2,4,6 hàng tuần tại Nhà văn hóa thôn.
Trưởng bản Xóm Mới, Trần Văn Quân nói: “Trước tình trạng những làn điệu Sình ca bị mai một đi và việc gìn giữ, truyền đạt những làn điệu này từ thế hệ trước đến thế hệ sau chỉ mang tính chất trong gia đình, thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng tìm tòi, sưu tầm và biên soạn những bài hát mới. Việc thành lập Câu lạc bộ dân ca dân vũ và mở lớp truyền dạy Sình ca cho nhân dân trong thôn sẽ tạo sự thống nhất, quy mô và tinh thần phấn khởi đối với người học để có thể đạt hiệu quả tốt nhất.
Một nghệ nhân đến từ huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Đây là lần thứ 3 tôi được dự một đêm văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Cao Lan. Tôi rất muốn đem hết vốn Sình ca của mình có truyền dạy cho cho bà con nơi đây.
Tại buổi lễ, nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ do những thành viên câu lạc bộ, các em nhỏ trong thôn và các nghệ nhân hát Sình ca tỉnh Tuyên Quang biểu diễn, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Đây cũng là một trong những hoạt động của thôn kỷ niệm 80 năm ngày Phụ nữ Việt Nam(20/10/1930-20/10/2010).
Vinh Quang (Nguồn: vinhphuc.gov.vn) [TT: H.T.N]