Nét tương đồng nhà sàn Thái cổ với nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn
08:06 AM 03/11/2010 | Lượt xem: 3803 In bài viết |Từ hàng nghìn năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định: Việt Nam có chữ viết từ rất sớm, trước chữ Hán cả nghìn năm và hoàn toàn khác chữ Hán. Các nhà nghiên cứu Anh, Tiệp xác nhận: “Ngay từ trước công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh-loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, lưỡi xéo, đặc biệt là trống đồng... cùng các hình vẽ chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần, Pá Màng... theo một hệ thống nhất quán. Tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ “khoa đẩu”.
Các nhà nghiên cứu từ xưa đến nay đều thống nhất: Chữ Thái có nguồn gốc từ chữ Khoa đẩu. Do người Thái ở xa sự áp bức của chính quyền đô hộ nên giữ được chữ viết của tổ tiên–chữ viết Khoa đẩu.
Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam có một nền văn minh lúa nước phát triển. Nhà sàn là nơi cư trú thích hợp giữa non ngàn, cho đến nay người Thái vẫn giữ tập quán ở nhà sàn.
“Dựa theo những hình khắc trên trống đồng thấy có 2 loại hình kiến trúc là nhà sàn mái cong và nhà sàn mái tròn. Nhà có hai cột chống ở phía đầu nhà, hai đầu và ở giữa có kê thang để lên sàn. Nhà mái tròn thường có một người (hoặc không có người) đứng giữa cửa, hai bên cửa có chắn phên. Nhà mái tròn có thể liên quan đến tín ngưỡng và tạm gọi là nhà thờ. Còn những ngôi nhà có mái cong như hình thuyền và được các nhà khoa học cho rằng đó là nhà ơ”. Hai góc mái có những đường hồi hoa văn trang trí-Những ngôi nhà này rất giống với nhà sàn cổ của người Thái đen ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái.
Nhà sàn của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu hồi khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thủa khai thiên lập địa, Thần Rùa “Pua tấu” dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng. Trong cuốn: “Quam tố mương”, tức Truyện bản mường, một cuốn sử của người Thái kể lại chuyện Thần Rùa dạy cho dân cách làm nhà theo thế rùa đứng để tránh nắng mưa, gió rét và thú dữ. Người Thái có câu: “Khửn song phái/ cái song đay” -tức là Mở hai cửa/ đi hai thang. Nhà người Thái cổ bao giờ cũng có hai cầu thang: “tang chan” và “tang quản”. “Tang chan” ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. “Chan” là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời. Đây là nơi các mẹ, các chị, các em... thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa. Cầu thang này bao giờ cũng mang số lẻ, thường là 9 bậc. Cầu thang dành riêng cho nam giới - “tang quản” ở đầu nhà, thường có 7 bậc.
Nhà sàn của người Thái cổ có hai bếp lửa “Chík pháy”. Bếp lửa phía “tang quản” dành cho người già, bếp chính ở phía “tang chan” dành cho nữ giới và những công việc nội trợ.
Từ bếp dành cho người già đến hết cầu thang dành cho nam giới gọi là “quản”. Đây là nơi dành riêng cho đàn ông. Phụ nữ không được đến khu vực này, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nơi đây có gian thờ tổ tiên - “hỏng hóng” và cột thiêng-”sau hẹ”. Trên cột thiêng treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa - “sam huống khẩu” và ba nhánh rau thì là - “sam hóm chík”... Ngoài ý nghĩa có tính biểu tượng của tô tem giáo thì còn mang bóng dáng của thuyết thiên-địa-nhân.
Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn hoạ tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ, trên “khau cút” của nhà người Thái đen. “Khau cút” vẽ vân sen, đầu kèo vẽ vân én, mái nhà xén bằng rui đã trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái đen Tây Bắc.
“Khau cút” là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc - “tiêu bôn”, trước hết để chắn gió - cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Những gia đình quý tộc xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và tám hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên “khau cút”, Giải thích về biểu tượng “khau cút”. có nhiều ý kiến khác nhau như: Đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, hoặc đó là những búp cây guột có nhiều ở Tây Bắc, hay gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái, anh em luôn nhớ về nhau...
Trên bậu cửa sổ thường chạm hình đôi thuồng luồng, linh vật làm chủ sông, suối, biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc. Trên các chấn song cửa sổ chạm các hoa văn, hoạ tiết mô phỏng thiên nhiên theo hình đối xứng hoặc lặp lại. Đó là những hình thoi như quả trám, hoa ban, búp cây... Nhà sàn người Thái trắng thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Như vậy, có nhiều sự tương đồng trong kiến trúc nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn và kiến trúc nhà sàn cổ của người Thái đen. Chưa nói rằng một số linh vật được thờ cúng có sự đồng nhất: Thần Rùa, thuồng luồng ... Phải chăng, kiến trúc ngôi nhà sàn Việt cổ còn lưu giữ bóng dáng trong kiến trúc nhà sàn của người Thái đen cổ Tây Bắc. Còn nhiều sự thống nhất trong các tên địa danh, mọi mặt sinh hoạt lao động sản xuất, chiến đấu... giữa ngôn ngữ Thái và ngôn ngữ Việt, trải khắp từ miền núi đến đồng bằng. Những điều đó càng thêm cơ sở khẳng định ngôn ngữ Thái lưu giữ ngôn ngữ Việt cổ và tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Trần Văn Hạc (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) [TT: H.T.N]