Trong không gian bếp lửa nhà sàn ấy, tôi luôn gặp những nụ cười hiền hậu của người thân, gặp một bếp hồng ủ lửa suốt ngày, với ấm nước trà xanh thơm nức, những chùm ngô vàng hong khói và không khí đầm ấm suốt bốn mùa….
Đó là những xúc cảm đặc biệt, ấm áp mà bếp lửa đem lại cho mỗi người con đất Mường khi tiết trời se se lạnh cuối thu, đầu đông. Với tôi, câu chuyện về bếp lửa nhà sàn của ông nội và những người già trong Mường thường kể mãi khắc sâu một câu chuyện đẹp, phong tục hay, nét văn hoá độc đáo. Đặc biệt là khi cuộc sống hiện đại ngày nay, những quan niệm hay, những sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Mường bên bếp lửa có nhiều thay đổi, có khi còn mờ nhạt dần.
Ông Bùi Văn Mẹo, người cao tuổi ở xóm Be Ngoài, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình ngồi bên bếp lửa hút điếu thuốc lào, nhâm nhi bát nước chè xanh rồi chậm rãi kể cho tôi nghe những câu chuyện về bếp lửa nhà sàn. Ông nói: “ Bếp lửa luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của người Mường. Bếp lửa có sức mạnh vô địch và thiêng liêng như một vị thần. Đặc biệt, bếp lửa có vị trí rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt, trong tâm linh và được ví như linh hồn trong ngôi nhà sàn vậy…!”. Ý thức được giá trị to lớn của bếp lửa nhà sàn nên bao đời nay, người Mường đã luôn chân trọng và nghiêm túc với các nghi lễ dựng nhà, làm bếp, nhóm lửa, làm bàn thờ thổ công và vua bếp. Nào là khi làm khuôn và lấy đất đắp bếp phải chọn được ngày tốt theo tuổi của gia chủ; đất để đắp bếp phải lấy ở nơi đất sạch sẽ… Nhóm lửa cũng phải chọn ngày, giờ tốt để sắm mấy mâm cỗ làm lễ cúng xin tổ tiên, thổ thần cho phép được nhóm lửa và mời anh em nội ngoại, làng xóm đến chứng kiến ngày nhóm bếp. Lễ cúng nhóm bếp xưa kia thường được các thầy mo hoặc là các vị cao niên trong nhà thực hiện nhưng việc châm lửa nhóm bếp thì lại phải nhờ một vị cao niên, sống có uy tín trong cộng đồng, họ tộc và phải là gia đình có con cháu trai, cháu gái đề huề, làm ăn phát đạt để nhà chủ được nhờ hưởng Phúc-Lộc-Thọ-Khang từ người nhóm lửa…
Từ sự trân trọng bếp lửa nhà sàn của người Mường nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt và tâm linh cũng được bộc lộ rõ nét qua đây. Khi bếp lửa đã được nhóm lên, ánh sáng và hơi ấm lan tỏa, mọi lạnh giá, khó khăn, muộn phiền trong cuộc sống như được tiêu tan. Bếp lửa không chỉ giúp người Mường nấu chín chế biến các món ăn, bếp lửa còn đặc biệt quan trọng trong việc thắp sáng, sưởi ấm, và bảo vệ. Người Mường quan niệm vừa duy tâm, nhưng cũng rất thực tế như thú dữ hay tà ma rất sợ lửa nếu bếp tắt thì tà ma, thú dữ sẽ mò vào nhà. Chính vì vậy mà trước kia, bếp lửa của người Mường không bao giờ được tắt lửa. Rồi những kiêng kỵ khá cầu kỳ như: trong những ngày tết, người Mường kiêng bếp bị tắt lửa, bởi họ cho rằng, nếu bếp bị lụi trong ngày tết thì năm đó gia đình sẽ làm ăn thất bát; Phụ nữ đun nấu không được ngồi ở vị trí cửa bếp (miệng của chiếc kiềng ba chân) mà phải ngồi lệch sang bên cạnh; ngồi sưởi phải khép chân bo gối. Củi đun phải đun đúng chiều gốc vào trong bếp để “tránh” khi sinh nở thai sẽ bị ngược; khi đun nấu không để nước sôi tràn xuống bếp sẽ làm ăn lụi bại. Tuyệt đối không được ném lá tươi vào bếp vì làm như vậy khuôn mặt sẽ sớm bị già nua héo hắt. Mọi người tuyệt nhiên không được khạc nhổ vào đống tro quanh bếp…
Có rất nhiều những câu chuyện, quan niệm, kiêng kỵ quanh bếp lửa nhà sàn mà thoạt đầu mới nghe kể tôi tưởng chừng như khó để nhớ được hết và thực hiện tốt khi ngồi bên bếp. Nhưng khi ngọn lửa nhóm lên ở đầu cây củi bỗng lửa cháy phì phì và ánh sáng của lửa sáng trắng hơn thì tôi cũng mỉm cười và nhớ ngay rằng đó là lửa cười. Như vậy là sẽ có niềm vui tới, hoặc nhà sẽ có khách và nếu là trong năm mới thì sẽ làm ăn thuận lợi. Tôi cũng nhớ vào mỗi buổi sáng, trước khi nấu ăn bao giờ cũng phải lấy một miếng thịt nhỏ ném vào giữa bếp để mời vua bếp… Và tôi cũng đặc biệt nhớ mình cũng như bao đứa trẻ ở quê Mường khi sinh ra được ở cạnh bếp lửa, được sưởi ấm, được bảo vệ để trưởng thành.
Hồng Duyên (Nguồn: Báo Hòa Bình) [TT: H.T.N]