Bình Phước: Quan tâm đầu tư giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số

03:18 AM 08/11/2010 |   Lượt xem: 2555 |   In bài viết | 
Hệ thống trường học của Bình Phước được xây dựng và nâng cấp từ hệ mầm non cho đến trường trung học phổ thông đã tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường tăng dần qua các năm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là trên 14 nghìn người, trong đó giáo viên mầm non 1.076 người, tiểu học 4.257 người, trung học cơ sở là 3.192 người, và trung học phổ thông là 1.042 người. Trong số này hiện có gần 300 giáo viên là người dân tộc thiểu số. Số giáo viên đạt chuẩn của Bình Phước có tỷ lệ gần 90%.

Không chỉ chú trọng phát triển đầu tư xây dựng các trường học tại khu dân cư tập trung, tỉnh Bình Phước cũng quan tâm đến mở rộng, đầu tư xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 trường phổ thông Dân tộc nội trú cấp 2 và cấp 3. Các trường này được đặt tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số định cư, nhằm tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh đi lại thuận tiện như ở Bình Long, Phước Long… Từ hệ thống trường Dân tộc nội trú này mà số lượng các em học sinh người dân tộc thiểu số theo học đã tăng lên hàng năm . Tổng số học sinh theo học tại các trường Dân tộc nội trú là 1.034 em từ các huyện, xã về học, trong đó trường Dân tộc nội trú tỉnh có 330 em, trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện có trên 700 em.

Tỉnh Bình Phước đã xóa mù chữ và phổ cập tiểu học ở 100% số xã và 91% xã phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các chương trình giáo dục miền núi, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo nhất là hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp. Ngành giáo dục tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh việc tổ chức các trường mẫu giáo công lập, mở lớp dạy chữ dân tộc. Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở các vùng dân tộc thiểu số, đưa chương trình dạy nghề vào các trường Dân tộc nội trú, như nghề trồng nấm, thêu dệt, các ngành nghề kỹ thuật khác...

Từ năm 2009 đến nay, thực hiện chỉ tiêu cử tuyển, tỉnh đã có trên bốn trăm em là người dân tộc thiểu số được vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, hàng trăm em vào dự bị đại học. Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện đưa 30 em người dân tộc thiểu số đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng về đào tạo giáo viên dạy hai thứ tiếng là tiếng phổ thông và tiếng Khmer./.

Theo Báo ĐCS [TT: H.T.N]