Phát triển chăn nuôi hàng hóa, Bản Tại thoát nghèo
10:49 AM 12/11/2010 | Lượt xem: 2515 In bài viết |Thôn có 30 hộ (390 khẩu), nhờ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiện cả thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Trưởng thôn Mã Đức Sinh cho biết: “Nhờ chủ trương phát triển mạnh đàn đại gia súc để khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền xã, nhân dân trong thôn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay, thôn đã có 400 con trâu, bò. Số lượng đàn trâu, bò không ngừng tăng lên theo từng năm. Nếu năm 2009, toàn thôn chỉ có 200 con trâu, bò thì tới tháng 10/2010, con số này đã tăng lên 400 con. Có được thành quả trên là nhờ các gia đình luôn chăm sóc trâu, bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y, từ cách chọn giống, phòng dịch bệnh đến bố trí chuồng trại hợp lý, đảm bảo vệ sinh”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại thôn Bản Tại, bà con đã biết tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và các thực phẩm từ hoa màu qua chế biến, tận dụng diện tích chăn thả, do vậy số lượng đàn gia súc tăng liên tục với chất lượng tốt.
Hiện nay, khi xã Niêm Sơn đã hình thành và phát triển chợ gia súc, việc thông thương, buôn bán gia súc cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Nhiều hộ đã mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại như gia đình các anh Quàng A Mính, Vương Văn Lứu (xóm Nà Chít).
Anh Mã Xuân Vương (xóm Nà Chít) cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng (20 triệu đồng), gia đình tôi mua 2 con trâu, bò giống. Chỉ qua 3 năm, gia đình tôi đã có 5 con trâu, bò, vừa đảm bảo sức kéo vừa có thể bán để trang trải cuộc sống. Như giá thành hiện nay, một con trâu, bò được trên 10 triệu đồng, nếu chăm sóc tốt, chỉ cần 2 năm là gia đình có thể trả hết nợ ngân hàng”.
Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa tại thôn Bản Tại là cách thức phát triển kinh tế phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, cần được nhân rộng.
Phạm Dương (Nguồn: kinhtenongthon.com)