Suối Bau đẩy lùi hủ tục
09:00 AM 22/11/2010 | Lượt xem: 3028 In bài viết |“Bây giờ cuộc sống của bà con trong xã thay đổi nhiều, không còn thách cưới bằng bạc trắng, không tái trồng cây thuốc phiện, không tảo hôn, trẻ em đến tuổi được đến trường, các dòng họ đoàn kết tập trung phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”. Đó là lời tâm sự của ông Thào A Chìa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Suối Bau, huyện Phù Yên (Sơn La) khi thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không” ở vùng dân tộc Mông trong xã.
Xã Suối Bau có 4 dòng họ của dân tộc Mông là Thào, Mùa, Sồng, Giàng cùng sinh sống. Theo quan niệm ngày xưa của người Mông, “con trai thì cho đi học, con gái thì ở nhà làm nương” nhưng bây giờ suy nghĩ đó đã thay đổi. Ông Sồng A Páo, Trưởng bản Suối Hiền cho biết: “Bây giờ không còn phân biệt trai gái nữa, cứ đến tuổi là cho đi học. Mình phải động viên cho con học giỏi, phải biết nhiều cái chữ để làm cán bộ, làm được nhiều mô hình kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo”.
Để triển khai xây dựng nếp sống văn hóa mới, đẩy lùi hủ tục, xã tổ chức hội nghị ở các dòng họ, thống nhất ý kiến đưa nội dung “5 có, 5 không” vào hương ước, quy ước của các dòng họ. Thực hiện nội dung “5 có”, nhân dân trong xã tập trung đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Theo đó, bà con đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, chuyển đổi đất bạc màu sang trồng rừng, trồng ngô lai và chăn nuôi gia súc; các dòng họ, các dân tộc cùng giúp đỡ nhau tiến bộ, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng bản làng phát triển toàn diện, nhiều người biết chữ, nhiều gia đình hiếu học...
Trong thực hiện nội dung “5 không”, xã vận động bà con xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nếu như trước đây người Mông thường để người chết trong nhà từ 3 đến 5 ngày mới chôn cất thì bây giờ không để người chết quá 24h (1ngày). Trong đám tang, đám cưới, các gia đình thực hành tiết kiệm: không mổ nhiều trâu bò, không thách cưới bằng bạc trắng, không ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày. Hộ nào để người chết từ 3 ngày trở lên, mổ nhiều trâu bò thì gia đình đó không được công nhận là gia đình văn hóa. Trai gái khi chưa đủ tuổi kết hôn, sinh đẻ quá kế hoạch đều bị dòng họ nhắc nhở, phạt tiền cho vào quỹ của dòng họ. Trong quy ước đều quy định rõ: không du canh, du cư; không học và truyền đạo trái phép; không trồng, sử dụng, buôn bán chất ma túy...
Ông Mùa A Vàng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã khẳng định: Nhờ thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, nhân dân trong xã đoàn kết, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa. 2 năm qua đã xóa được 127 nhà tạm, hơn 60% số hộ công nhận gia đình văn hóa, 5/10 bản đạt bản văn hóa, xã được công nhận 4 không về ma túy và gần 30 con em trong xã đang theo học trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh.
Nổi bật trong nông nghiệp bà con đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao. Diện tích trồng ngô đạt 600ha, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha. Vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất nương bạc màu sang trồng rừng, khai hoang ruộng nước được hơn 10ha. Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tăng thêm nguồn thu nhập và cải thiện đời sống của người dân trong xã. Đến nay, tổng đàn gia súc có gần 3.000 con và trên 5.000 con gia cầm. Công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng luôn được chính quyền và nhân dân trong xã chú trọng nên mấy năm nay không có vụ cháy nào xảy ra, không có hiện tượng chặt phá rừng. Góp phần nâng diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng hơn 1.500ha, đặc biệt mùa trồng rừng 2010 bà con trong xã trồng mới được 167ha rừng thông.
Những tập tục lạc hậu bị đẩy lùi, những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc được gìn giữ, phát huy, các dòng tộc đoàn kết chung sức xây dựng bản mường ngày càng phát triển.
Duy Dũng (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) [TT: H.T.N]