“Tạ lỗi” với rừng xanh
02:15 AM 25/11/2010 | Lượt xem: 2878 In bài viết |Lâu nay, người dân các bản Tà Păng, Sê Pu, Cù Bai, A Xóc, Cha Lỳ…(xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) chỉ quen vào rừng chặt cây làm nhà và đốt rừng làm nương rẫy. Vậy mà, chỉ trong vòng 4 năm (năm 2006-2010) trở lại đây, đồng bào dân tộc Vân Kiều) các bản trên đã trồng mới 100ha rừng mỗi năm. Nhiều hộ người Vân Kiều trở thành triệu phú từ rừng trên chính mảnh đất trước đây vốn là nương rẫy bỏ hoang...
Cả bản bàn chuyện trồng rừng
“Người Vân Kiều ở bản Tà Păng của miềng bao đời nay chưa bao giờ biết đến chuyện trồng rừng. Mà trồng rừng để làm gì khi rừng già nằm sát cạnh bản. Muốn làm nhà mới chỉ cần vác rựa vào rừng chặt cây. Nương rẫy trồng ngô, lúa vài vụ cho ít hạt thì cứ việc bỏ hoang đi tìm khoảnh rừng khác để lại bắt đầu chặt cây, đốt cây chờ đến mùa mưa chọc đất gieo hạt. Không biết có phải vì rứa mà rừng cứ ngày càng lùi xa dần bản miềng. Chừ muốn có cái cây to làm cột trụ nhà sàn phải cất công luồn rừng, lội suối cả tuần chưa chắc tìm ra. Loanh quanh tìm khoảnh đất mới để phát cây làm nương rẫy lại gặp đúng khoảnh đất trước đây người khác từng làm rẫy mọc đầy cỏ tranh, sim mua nên hạt ngô, hạt lúa gieo xuống cũng cho ít hạt hơn. Dân bản miềng bây chừ đã thấy được tận mắt tác hại của bao mùa du canh. Phải mang cây lên trồng trên đồi, trên rẫy bỏ hoang để trả lại màu xanh cho rừng thôi”. Già bản Hồ Trung tâm sự với tôi như vậy tại buổi họp dân bản bàn chuyện trồng rừng trong lần tôi trở lại Tà Păng.
Ngồi bên cạnh, Trưởng bản Tà Păng Hồ Văn Khai đang say sưa nói cho dân bản biết về lợi ích của việc trồng rừng: “Bản miềng lâu nay nghèo đói cũng bởi dân bản chỉ biết sống dựa vào rừng. Cứ khai thác cạn kiệt rừng thì rừng sẽ không còn là “rừng vàng” nữa. Hồi trước, dân bản miềng đã nhiều lần được cán bộ huyện, xã cho biết tác hại của việc chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy nhưng lúc đó dân bản miềng cái bụng vẫn chưa thông, cái đầu chưa sáng nên cứ tiếp tục đốt rừng làm nương rẫy. Không có rừng để giữ nước nên chỉ cần vài trận mưa to đã xói mòn lớp đất màu mỡ, nương rẫy của bà con trở nên hoang hóa, bạc màu làm cho năng suất cây lúa, ngô không còn nhiều như trước. Hạt lúa, hạt ngô cho ít hạt thì dân bản miềng suốt năm thiếu đói. Cũng như bản miềng nhưng bên bản Cù Bai, Cha Lỳ, Sê Pu, A Xóc... hiện tại đã không còn vào rừng chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy nữa. Họ biết trồng cây bời lời, xoan đỏ, tràm hoa vàng, keo tai tượng trên đồi, rẫy bỏ hoang để lấy gỗ, lấy vỏ bán cho người dưới xuôi thu hàng chục triệu đồng. Có tiền, họ dựng lại nhà mới, mua sắm xe máy, ti vi... Cuộc sống của họ giờ đây không còn nghèo, còn khổ. Dân bản miềng phải học cách trồng rừng của họ. Đất đai thì bản miềng không thiếu, còn giống cây, kỹ thuật chăm bón đã có cán bộ huyện, xã hỗ trợ, hướng dẫn. Nghe cán bộ nói là trồng rừng không khó như dân bản miềng lâu nay vẫn nghĩ. Cứ đến mùa nắng, mang rựa lên đồi, lên rẫy bỏ hoang phát quang lau sậy, sim mua chờ đến mùa mưa đào hố rồi nhận giống về trồng. Cứ chịu khó trồng rừng chỉ vài năm nữa thôi, dân bản miềng sẽ có cuộc sống khá giả, giàu có như các bản khác. Nói như người miền xuôi thì dân bản miềng lấy của rừng nhiều thứ nên bây giờ phải “tạ lỗi” với rừng xanh chứ ”.
Khi dân thấy lợi ích từ rừng trồng
Anh Lê Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập phấn khởi cho biết: xã Hướng Lập có 8 bản với 243 hộ dân. Những năm trở lại đây, bên cạnh việc chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào trên địa bàn xã thì việc khuyến khích đồng bào dân tộc Vân Kiều phát triển phong trào trồng rừng trên diện tích đất trống, đồi núi trọc luôn được xã quan tâm. Chỉ tính riêng trong năm 2008, xã Hướng Lập đã thông qua dự án BCI tiến hành hỗ trợ cây giống, phân bón để nhân dân trồng mới hơn 75ha bời lời. Tổ chức cho dân các bản khoanh nuôi, chăm sóc 100ha rừng sản xuất. Cấp phát đúng thời vụ trồng rừng cho dân hơn 10.000 cây bời lời, 10.000 cây keo tai tượng mà Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa hỗ trợ. Khuyến khích người dân vay vốn, mua giống cây trồng mới 75ha bời lời, keo tai tượng, xoan đỏ. Năm 2009, xã Hướng Lập hỗ trợ giống cây, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho bà con các bản để trồng mới 100ha rừng và trồng 100ha cây mây dưới tán rừng. Từ phong trào trồng rừng đã xuất hiện nhiều hộ có thu nhập 50-70 triệu đồng/năm từ rừng trồng (cả xã hiện có 16 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều trồng từ 10-15ha rừng).
“Trong chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ phá nát từng cánh rừng đã đành đến khi hòa bình rồi do thiếu ăn nên dân bản lại vào rừng chặt phá. Nhìn những cánh rừng bị chặt phá nham nhở, lòng miềng cứ quặn thắt lại. Người Vân Kiều từ thuở lập bản, lập làng đã chung sống với rừng. Vậy mà, bây giờ rừng cứ lùi xa dần làng bản. Cũng từ suy nghĩ đó, miềng tự bỏ công sức, tiền của ra để lên đồi trồng lại rừng. Ngày đầu vác rựa đi phát quang bụi rậm, lau sậy để trồng rừng, nhiều người dân bản cho là miềng bị lẩn thẩn. Miềng biết nhưng miềng bỏ ngoài tai. Cứ phát quang đến đâu miềng trồng rừng đến đó. Chừ thì miềng có trong tay gần 10ha rừng. Không tính đến nguồn thu nhập từ 3ha lúa nước, 3 hồ cá, 30 con trâu, bò thì mỗi năm gia đình miềng cũng có thu nhập 30-40 triệu đồng từ rừng rồi. Dân bản Cù Bai cũng như nhiều bản khác bây chừ ngày mô cũng đến học hỏi cách làm ăn của miềng. Miềng nói với họ cứ lên đồi trọc, nương rẫy bỏ hoang của nhà mình mà phát quang trồng rừng là sẽ khá, sẽ giàu thôi”. -Hồ Xừng tâm sự với tôi khi tôi đến thăm trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi của ông ở bản Cù Bai.
“Một khi người dân (nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều) thấy lợi ích kinh tế từ việc trồng rừng mang lại thì họ sẽ tự nguyên vay vốn, bỏ công ra trồng rừng trên diện tích đất trống, đồi núi trọc. Chứ có đề ra cả trăm quy ước bảo vệ rừng mà không chỉ cho họ thấy hiệu quả kinh tế trong thực tế liên quan đến đời sống của gia đình họ từ việc trồng rừng thì họ cũng sẽ tiếp tục đốt rừng làm nương rẫy. Thực tế phong trào trồng rừng ở xã Hướng Lập cũng như nhiều xã khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã chứng minh cho điều đó”. Anh Lê Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập đã khẳng định với tôi như vậy.
Theo Thùy Chi Nguồn Báo Dân tộc và Phát triển