Từ tờ mờ sáng, từng dòng người Mông, Hoa, Giáy ở khắp các nẻo đường, ngõ núi, tấp nập đổ về chợ phiên. Người cưỡi ngựa, người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy... Ai cũng mang theo mình những mặt hàng đặc trưng của thôn, bản để bán, trao đổi tại phiên chợ, như: sản phẩm thổ cẩm, hàng nông sản, gia súc, gia cầm... Trong phiên chợ không chỉ có các mặt hàng của bà con địa phương mà còn có cả những mặt hàng điện tử, đồ gia dụng, vải vóc... được đem từ dưới xuôi lên. Tất cả đã tạo nên một không gian đặc trưng, đa dạng, phong phú của phiên chợ vùng cao Cán Cấu.
Chợ phiên Cán Cấu được chia thành nhiều khu riêng, mỗi khu được bày bán những mặt hàng riêng như: khu ẩm thực; khu bán đồ dùng sinh hoạt gia đình; khu bán quần áo, vải vóc; khu bán trâu, bò, lợn, gà. Thu hút du khách đến tham quan phiên chợ nhất đó khu ẩm thực và các mặt hàng truyền thống của người dân. Qua đây, sự khéo léo của đôi bàn tay đồng bào vùng cao như càng có dịp thể hiện rõ nét nhất thông qua cách chế biến món ăn, cách thể hiện những đường nét thêu thùa, đan lát qua các sản phẩm thổ cẩm đủ màu sắc. Khu vực bán gia súc, gia cầm cũng không kém phần thu hút du khách, người mua. Người Mông, người Hoa, người Giáy, rất yêu thích gia súc, vì vậy mỗi dịp đến với phiên chợ đồng bào luôn dành thời gian để “chiêm ngưỡng” ngắm nghía đàn gia súc của mình, nếu ai có đủ tiền cũng đều mong muốn tìm được một “chú” gia súc đẹp, khỏe mạnh để phục vụ cho công việc nhà nông của mình.
Không chỉ đến với phiên chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, nhiều nam thanh nữ tú còn tìm đến với nhau khi đến với phiên chợ để trao duyên, hẹn hò, để khoe sắc trong những bộ váy xòe rực rỡ sắc màu để trổ tài múa khèn, đánh quay... Nhờ có phiên chợ mà nhiêu đôi đã nên vợ nên chồng, sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Khi ánh hoàng hôn dần khuất sau những dãy núi cũng là lúc phiên chợ tàn. Đâu đó vẫn âm vang tiếng khèn của chàng trai Mông, tiếng cười rộn rã của những cô gái khoác trên mình những chiếc váy xòe rực rỡ sắc màu. Lời hẹn sẽ gặp lại nhau trong những phiên chợ lần sau khiến lòng người thêm bịn rịn, lưu luyến...
Khắc Trường (Báo Dân tộc & Phát triển) [TT: H.T.N]