Chương trình 135 giai đoạn II ở Bắc Giang bất cập khi xã làm chủ đầu tư

04:10 AM 10/12/2010 |   Lượt xem: 3813 |   In bài viết | 
Từ năm 2006, UBND tỉnh đã phân cấp cho xã làm chủ đầu tư 400/475 công trình xây dựng cơ bản và dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tìm hiểu tại huyện Lục Nam được biết, trong hai năm 2006 và 2007, huyện phân cấp cho 5 xã đặc biệt khó khăn và 6 xã khu vực nông thôn miền núi làm chủ đầu tư. Căn cứ vào điều kiện thực tế, hầu hết các xã đều lựa chọn nâng cấp, xây mới hệ thống các công trình thủy lợi để bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Vũ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: “Qua xem xét nhiều thôn, bản còn khó khăn về nước tưới phục vụ sản xuất nên, sau khi bàn bạc dân chủ, công khai, xã ưu tiên đầu tư gần 1,3 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo công trình thủy lợi đập Bãi Lác, thôn Đồng Mạ; trạm bơm Tranh Ry, thôn Ry và đập Đá Dựng, thôn Mỏ Sẻ. Đến nay, các công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho 80% diện tích đất nông nghiệp, năng suất lúa tăng lên 230-250 kg/sào, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 33% năm 2010”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số xã còn lúng túng khi chọn đơn vị tư vấn, khảo sát, thiết kế, dẫn đến tình trạng dù biết sai nguyên tắc nhưng vẫn nhờ bên B (nhà thầu xây dựng) hoặc cán bộ chuyên môn huyện làm hộ các thủ tục ban đầu. Ví dụ như xã Phong Vân (Lục Ngạn) được giao làm chủ đầu tư năm 2008 và 2009 nhưng chưa đáp ứng được công việc được giao. Khi xây dựng trạm điện hạ thế thôn Vựa Trong với tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng, do cán bộ xã không đảm đương được nên phải nhờ cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý dự án huyện thiết kế, dự toán công trình, thẩm định kỹ thuật và giám sát. Theo kế hoạch, công trình này hoàn thành vào cuối năm 2009, nhưng đến nay, vẫn chưa đưa vào sử dụng. Hiện nay, xã còn nợ đọng hơn 400 triệu đồng.

Không chỉ xã Phong Vân, cũng do năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế nên nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số xã khác không bảo đảm chất lượng, nghiệm thu sai đối tượng như: công trình nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tân Lập và thôn Đồng Phúc, xã Kim Sơn (Lục Ngạn); cứng hóa kênh mương thôn Hồ Sơn 1, xã Bảo Sơn và các thôn Chè Độ, Nhân Lý, xã Trường Sơn (Lục Nam); cứng hóa kênh mương ở thôn Nà Phai, thôn Lạnh: nhà chức năng Trường Tiểu học xã Lệ Viễn (Sơn Động). Sau khi thanh tra, tỉnh thu hồi nộp ngân sách Nhà nước, gần 400 triệu đồng. Không chỉ vậy, nhiều xã thanh quyết toán công trình chậm so với quy định, thậm chí một số xã phải nhờ cán bộ huyện làm thay thủ tục thanh quyết toán. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến tháng 6/2010, số công trình thuộc CT 135 hoàn thành trong giai đoạn 2006-2009 nhưng chưa quyết toán là 125/300 công trình, trong đó huyện Lục Ngạn 58/90, huyện Sơn Động 34/119; Lục Nam 23/69; Yên Thế 10/22 công trình.

Đối với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều xã triển khai chậm muộn, không bảo đảm thời vụ sản xuất, mang tính bình quân chia đều như: hỗ trợ phân bón sai đối tượng ở xã Đông Hưng (Lục Nam); hỗ trợ gà ở Đồng Cốc, Giáp Sơn (Lục Ngạn). Thậm chí, nhiều cán bộ chuyên môn không nắm bắt được nhu cầu thực tế của bà con nông dân cần nuôi con gì, trồng cây gì nên hỗ trợ giống vật nuôi không phù hợp, gây lãng phí. Ví dụ như trong hai năm 2008-2009, 70 hộ dân ở xã Phong Vân được hỗ trợ 240 triệu đồng gà giống nuôi theo phương pháp công nghiệp, nhưng đến nay số gà đó đã chết gần hết. Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện có 70% số xã trong toàn quốc lập kế hoạch kém nên dự án triển khai chậm muộn, không hiệu qủa, trong đó có tỉnh Bắc Giang. Mặt khác, hầu hết các xã thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện công trình, dự án lên Ban Chỉ đạo cấp huyện và cơ quan thường trực cấp tỉnh chậm, không đầy đủ theo yêu cầu. Ông Đỗ Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Chủ trương phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư là hoàn toàn hợp lý vì phát huy được tính dân chủ, nhân dân trực tiếp tham gia giám sát, nguồn vốn đầu tư đúng mục đích. Nhưng thực tế cho thấy, những công trình có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì không phải xã nào cũng đảm trách được vì năng lực cán bộ còn yếu trong lĩnh vực này. Bởi vậy, qua rà soát, UBDN tỉnh rút các xã Kim Sơn, Cấm Sơn, Phong Minh, Phong Vân, Biển Động (Lục Ngạn) ra khỏi danh sách chủ đầu tư Chương trình 135”.

Năm 2010 là năm cuối thực hiện CT 135 giai đoạn II. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III (2011-2015) vì vậy những bất cập khi xã làm chủ đầu tư cần được khẩn trương khắc phục để bảo đảm hiệu quả chương trình. Về phía UBND các huyện cần rà soát, xác định năng lực của các xã, không giao cho những xã chưa đủ điều kiện, có nhiều sai phạm kéo dài làm chủ đầu tư. Ngành chức năng tăng cường tổ chức hướng dẫn, tập huấn năng lực quản lý cho cán bộ xã về lĩnh vực này, trong đó, tập trung vào hai đối tượng là chủ tịch UBND xã và kế toán. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, xử lý nghiêm những sai phạm. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ xã phải chủ động tìm hiểu kỹ các bước đầu tư, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có như vậy, việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư mới phát huy được tác dụng, tránh tình trạng không có khả năng nhưng vẫn phải làm dễ dẫn đến thiếu sót, sai phạm, nhiều công trình được đầu tư hàng tỷ đồng không phát huy được hiệu quả.   

Ngô Thị Hồng Minh (Nguồn: Báo Dân tộc)